Trung Quốc:
Phát hiện sữa Mead Johnson chứa chất thơm hại gan, thận
(Dân trí) - Mới đây, Trung tâm điều tra nhãn hàng tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã tiến hành kiểm tra sữa bột cho trẻ 0-6 tháng tuổi của các nhãn hiệu sữa bột nước ngoài. Kết quả cho thấy 1 số nhãn hiệu trong quá trình pha chế đã thêm vào chất cấm vanillin.
Báo cáo kiểm nghiệm phát hiện ra vanillin trong sữa bột của Meadjohnson (Trung quốc) của Trung tâm kiểm định an toàn thực phẩm và dinh dưỡng Đại học Nông nghiệp Hồ Nam
Ngay khi có thông tin về việc thêm chất thơm vinallin vào bột sữa của Mead Johnson, các sản phẩm sữa bột của các hãng Mead Johnson, Abbott, Wyeth… đều đã được kiểm tra tại Trung tâm kiểm định an toàn dinh dưỡng và thực phẩm Đại học Hồ Nam.
Qua kiểm tra, phát hiện 2 lô sữa sản xuất ngày 22/10/2011 và 18/04/2012 của Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm dinh dưỡng Mead Johnson (Trung quốc) có chất vanillin. Các loại sữa bột giai đoạn 1 của các nhãn hiệu ngoại như Abbott, Weyth…cũng đều có chất này.
Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại của Changsa, thành phố thủ phủ của Hồ Nam cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra sâu hơn vào vụ việc.
Theo Quy định về tiêu chuẩn an toàn Quốc gia Trung Quốc trong việc sử dụng hương liệu thực phẩm GB2760-2011, tuyệt đối không được thêm hương liệu vào các thực phẩm dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi.
Vanillin là một loại hương liệu, thành phần chứa methyl vanillin và ethyl vanillin, mang lại hương thơm cho bột sữa. Tuy nhiên, dùng với lượng lớn có thể gây đau đầu, buồn nôn, khó thở, thậm chí gây hại cho gan, thận. Do đó, Trung quốc cấm tuyệt đối việc thêm chất này vào sữa dành cho trẻ ở giai đoạn 1 (0-6 tháng tuổi).
Theo chuyên gia dinh dưỡng, trẻ sơ sinh không nên ăn bột sữa có hương liệu trong thời gian dài, bởi sẽ dễ bị ỷ lại trong khẩu vị, từ đó gây khó khăn cho việc ăn dặm về sau. Cũng theo các chuyên gia, sữa bột không phải càng thơm càng tốt. Do cơ thể trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện, khả năng trao đổi chất, bài độc còn kém, khi ăn phải các thực phẩm chứa quá nhiều chất phụ gia sẽ gây gánh nặng cho quá trình trao đổi chất. Nếu vượt quá khả năng giải độc của cơ thể, thậm chí còn có thể sản sinh ra một số độc tính nhất định.
Đây là sự cố an toàn mới nhất xảy ra với Mead Johnson sau khi Cục Quản lý nhà nước về chất lượng cáo buộc công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia trong một số công thức em bé của mình.
Sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008, các thương hiệu quốc tế như Dumex, Mead Johnson, Nestle đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, nắm tới 2/3 thị phần sữa công thức tại Trung Quốc. Trong khi đó, Tam Lộc, một trong những hãng sữa bột lớn nhất Trung Quốc đã phải tuyên bố phá sản và những gã khổng lồ khác như Mông Ngưu và Y Lợi đều phải chấp nhận giảm thị phần do đánh mất niềm tin với người tiêu dùng. Và vụ bê bối này cũng đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc xây dựng 1 kế hoạch 5 năm ngay sau đó để “nâng cấp” các quy định an toàn thực phẩm nhằm giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm người dân quan tâm.
Phạm Thuý - Trần Phương
Tổng hợp từ ifeng, china, sina, people