Phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng

Ung thư vòm mũi họng là một bệnh khá phổ biến và có số lượng bệnh nhân nhiều nhất trong số các ung thư đầu mặt cổ tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ung thư vòm mũi họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào biểu mô niêm mạc ở vùng vòm họng - phần cao nhất của họng, ngay phía sau của mũi. Ung thư vòm mũi họng gặp chủ yếu loại ung thư biểu mô không biệt hóa. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới, với tỷ lệ khoảng 2 - 3 nam/1 nữ. 

Phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng - 1

Việc phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng có giá trị trong tiên lượng điều trị. Nếu phát hiện sớm, tiên lượng điều trị bệnh tốt, thời gian sống trên 5 năm có thể lên tới trên 80%. Tuy nhiên, nếu ở giai đoạn muộn, tức là khối u không chỉ khu trú ở vòm mà đã xâm lấn hoặc di căn tới các cơ quan khác như não, phổi, xương… tiên lượng điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Khối u nằm ở ngay dưới nền sọ, phần họng mũi, chúng ta không thể nhìn thấy được trực tiếp mà phải sử dụng ống nội soi đi qua mũi hoặc sử dụng gương soi thanh quản số 0 soi ngược lên trên mũi từ họng.

Chẩn đoán

Giai đoạn sớm: gián tiếp qua các cơ quan lân cận: tai - đầu - mũi - hạch cổ. Các biểu hiện sau xuất hiện 1 bên tăng dần: ù tai, đau đầu, ngạt tắc mũi hoặc chảy máu mũi lờ lờ máu cá, hạch cổ.

Giai đoạn muộn:

- Bệnh nhân xuất hiện liệt các dây thần kinh sọ: Thường khởi đầu là liệt dây số III, VI gây sụp mi và lác trong. Khi ung thư xâm lấn nhiều vị trí tại não, sẽ liệt toàn bộ các dây thần kinh sọ (12 đôi - hội chứng Garcin) dây liệt hầu họng (sặc và nuốt nghẹn, mất cảm giác vùng họng), liệt mặt, liệt lưỡi… liệt các cơ cổ.

- Hạch cổ hai bên, số lượng nhiều gây biến dạng vùng cổ.

- Biểu hiện triệu chứng khác theo cơ quan bị di căn.

Đối với bệnh nhân ung thư vòm mũi họng, ở giai đoạn sớm điều trị bằng xạ trị đơn thuần; giai đoạn muộn: xạ trị kết hợp hóa trị. Có thể kết hợp thêm với miễn dịch trị liệu.

Người ta cho rằng có một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm mũi họng. Vì vậy, cần ngăn chặn các yếu tố nguy cơ đó:

- Tăng cường sức đề kháng của niêm mạc mũi họng bằng các thuốc súc họng, ăn uống điều độ, hợp vệ sinh… tránh virus EBV.

- Tránh ăn những đồ dưa muối, cà muối…

- Hạn chế uống rượu, hút thuốc…

- Những người có yếu tố gia đình mắc ung thư vòm nên tránh các nghề có tiếp xúc với bụi gỗ, formaldehyde...