1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư phổi vẫn có thể quay trở lại

Nam Phương

(Dân trí) - Tại nước ta, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Điều đáng nói là ngay cả khi phát hiện được ở giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát của bệnh vẫn ở mức cao.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tỷ lệ tái phát cao

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Liệu pháp miễn dịch - Thắp sáng hy vọng chữa khỏi trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm" diễn ra ngày 13/4, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, tái phát sau điều trị là một vấn đề người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ phải đối mặt dù được chẩn đoán và điều trị sớm.

Liệu pháp miễn dịch với kết quả giảm tỷ lệ tái phát sẽ là một trong những phương pháp trong điều trị đa mô thức.

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 10-15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 85%). 

Ước tính có gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ là giai đoạn sớm. Mục tiêu điều trị chữa khỏi bao gồm điều trị chuẩn như phẫu thuật cắt bỏ u và hóa trị hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân được điều trị với liệu pháp chuẩn thì tỷ lệ tái phát vẫn cao.

Phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư phổi vẫn có thể quay trở lại - 1

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: G.K).

Điều trị bổ trợ hóa chất sau phẫu thuật là liệu pháp điều trị bổ trợ tiêu chuẩn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm mặc dù đã được mặc dù đã được phẫu thuật triệt để và điều trị hóa trị bổ trợ, tỷ lệ sống còn toàn bộ kém và nguy cơ tái phát cao. 

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống chung sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ là khoảng 10-15%. Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu (giai đoạn I-II) thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, ngay cả sau khi cắt bỏ toàn bộ khối u, 30-55% bệnh nhân sẽ tái phát bệnh trong vòng 5 năm đầu phẫu thuật.

Một số bằng chứng khác chỉ ra các khả năng tái phát của ung thư phổi không tế bào nhỏ là 5-19% cho giai đoạn 1, 11-27% cho giai đoạn 2, 24-40% cho giai đoạn 3.

Hiện nay, đã có những bằng chứng y khoa trên thế giới cho thấy hiệu quả của liệu pháp bổ trợ miễn dịch trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ. 

Kết quả từ nghiên cứu công bố trên The Lancet cho thấy liệu pháp miễn dịch cải thiện đáng kể thời gian sống thêm không bệnh cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Cụ thể, liệu pháp miễn dịch giúp giảm 34% nguy cơ tái phát bệnh hoặc tử vong ở những người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ. Nguy cơ này có thể giảm đến 57% nếu bệnh nhân có tỷ lệ bộc lộ thụ thể PD-L1 cao.

Phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư phổi vẫn có thể quay trở lại - 2

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao (Ảnh: MayoClinic).

Tại Việt Nam, việc điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ bằng liệu pháp miễn dịch bước đầu cũng đã có những kết quả đáng khích lệ. 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), lấy dẫn chứng về kết quả điều trị cho bệnh nhân nam 70 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi phải từ năm 2020. Bệnh nhân sau đó được điều trị tại Singapore và Việt Nam. 

Sau quá trình điều trị phẫu thuật cắt nội soi thùy phổi có u, nạo vét hạch, đánh giá sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị và điều trị bổ trợ bằng liệu pháp miễn dịch. Bệnh nhân sau đó tái khám định kỳ và đến nay sau gần 4 năm, sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định, chưa phát hiện tái phát.

Tháng 6/2023, Bộ Y tế Việt Nam lần đầu tiên phê duyệt sử dụng liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật và điều trị hóa chất cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư phổi

Các triệu chứng thường gặp của ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm:

- Ho: gặp trong khoảng 80% bệnh nhân, thường thấy thay đổi về tần suất và mức độ trên người hút thuốc, có thể ho khan hoặc kèm theo khạc đờm.

- Ho ra máu.

- Khó thở.

- Viêm phổi tái diễn một vị trí.

- Tràn dịch màng phổi.

- Đau ngực.

- Đau vai, tay.

- Triệu chứng do chèn ép: khó nuốt, khàn tiếng, hội chứng tĩnh mạch chủ trên...

Các triệu chứng do di căn:

- Nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức, vận động, triệu chứng thần kinh khu trú...

- Đau xương, hạn chế vận động do đau...

- Tê, yếu, mất vận động chi, đại tiểu tiện không tự chủ…

Điều quan trọng là gặp bác sĩ của bạn về bất kỳ triệu chứng nào. Cơ hội đánh bại ung thư phổi của bạn liên quan trực tiếp đến việc bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn nào.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm