Phát hiện ổ cúm gia cầm H5N1 ở Sóc Trăng
(Dân trí) - Ngày 4/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết nhận được thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ổ cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Sóc Trăng
Theo đó, từ ngày 23/02/2015 tại Ấp 1, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại một hộ chăn nuôi. Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy đàn gà trên 2 tháng tuổi, 1.100 con, bị mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N1 tại ổ dịch trên và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Hiện nay, toàn quốc có ổ dịch Cúm gia cầm tại 01 hộ chăn nuôi ở ấp 1, xã Đại Hải, huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng chưa qua 21 ngày.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn nhận định vi rút cúm gia cầm H5 là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người hiện nay.
Vi rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Dịch bệnh vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1/2015, đã ghi nhận 777 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp tử vong (chiếm 55,1%).
Đặc biệt gần đây, sự gia tăng đột biến về số trường hợp nhiễm cúm H5N1 tại Ai Cập bắt đầu vào tháng 11/2014 và tiếp tục trong tháng 1, 2 năm 2015 là điều đáng quan tâm. Tính từ đầu tháng 11/2014 đến 23/2/2015, Ai Cập đã ghi nhận 108 trường hợp mắc cúm H5N1 trong đó có 35 trường hợp tử vong. Số lượng các trường hợp mắc trong giai đoạn này được ghi nhận lớn hơn tổng các trường hợp được ghi nhận trong mỗi năm ở tất cả các quốc gia. Các cơ quan y tế và nông nghiệp ở Ai Cập cho rằng sự lưu hành rộng rãi của vi rút H5N1 trên gia cầm trong thời gian này, cùng với nhiều hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm dẫn tới việc gia tăng cao các trường hợp mắc cúm H5N1.
Theo FAO, từ 18/01 đến 07/02/2015 Ai Cập đã ghi nhận 76 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 20 trong tổng số 27 tỉnh của nước này. Phần lớn các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi trong gia đình (66 ổ).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới trong hai năm qua, đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả chủng này hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ở Trung Quốc, H5N1, H5N2, H5N6 và H5N8 hiện đang lưu hành trên các loài chim cùng với H7N9 và H9N2. Trong đó vi rút cúm H9N2 đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các gen cho các vi rút H5N1 và H7N9.
Các nhà vi rút học giải thích sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới.
Sự xuất hiện của rất nhiều vi rút mới đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Vì thế tại Việt Nam, khi vẫn còn lưu hành đàn gia cầm nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thì vẫn có nguy cơ lây bệnh trên người, nguy cơ tái tổ hợp các chủng cúm gây bệnh nguy hiểm. Vì thế Cục Y tế dự phòng luôn giám sát, khuyến cáo người dân không ăn thịt gia cầm chết, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi, tiếp xúc gia cầm có phương tiện bảo hộ… để giảm nguy cơ thấp nhất lây nhiễm cúm A/H5N1 sang người. Khi tiếp xúc gia cầm ốm chết rồi xuất hiện các triệu chứng cúm đau ngực, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế để kịp thời được chẩn đoán, điều trị.