Phát hiện mới: Ánh đèn về đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

(Dân trí) - “Ánh điện vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ đã mãn kinh”, kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học Mỹ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ. Theo đó, nhóm tác giả đã tiến hành đánh giá mối liên quan giữa nguy cơ mắc ung thư vú và mức độ ô nhiễm ánh sáng ở nơi sinh sống (dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh) của 200.000 phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh.

Phát hiện mới: Ánh đèn về đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú - 1

Kết quả phân tích dữ liệu đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cường độ cao vào ban đêm làm tăng 10% nguy cơ mắc ung thư vú, ở những phụ nữ đã mãn kinh.

Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định, ánh sáng nhân tạo có thể ức chế sự sản sinh hormone melatonin, loại hormone có nhiệm vụ chính là điều khiển quá trình cơ thể thư giãn và hồi phục trong lúc ngủ. Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy melatonin còn ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư nhất định.

“Ánh sáng nhân tạo gây rối loạn nhịp sinh học, từ đó làm giảm số lượng hormone melatonin mà cơ thể sản xuất”, đại diện nhóm tác giả nhận định.

Bệnh cạnh những yếu tố nguy cơ truyền thống như hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, môi trường, chỉ số BMI, mối liên quan giữa ánh sáng sáng nhân tạo và rủi ro mắc ung thư vú vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, trong giới khoa học suốt nhiều năm qua.

Phát hiện mới: Ánh đèn về đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú - 2

Điển hình như việc các nghiên cứu của quỹ  Breast Cancer Now cách đây 2 năm lại khẳng định rằng, việc phơi nhiễm với ánh sáng vào ban đêm không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ở cả những phụ nữ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh.

TS Simon Vincent – Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Breast Cancer Now đã rất bất ngờ với kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ: “Thật thú vị khi nghiên cứu này lại cho rằng, ánh sáng nhân tạo tại các khu dân cư vào ban đêm có thể liên quan đến việc làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư vú ở những phụ nữ đã mãn kinh, bởi các phân tích quy mô lớn được thực hiện với hơn 100.000 phụ nữ người Anh, do  Breast Cancer Now tiến hành lại đưa ra kết quả mâu thuẫn”.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù có nhiều nghiên cứu với các kết quả không thống nhất đã được thực hiện, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa biết chính xác vai trò của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, nếu nó thực sự có khả năng làm tăng thêm rủi ro mắc bệnh, thì lượng tăng thêm này là quá nhỏ để khiến chúng ta phải thực sự lo lắng về nó.

Trong khi đó, có nhiều cách để phụ nữ phòng ngừa ung thư vú đáng quan tâm hơn như: duy trì cân nặng cân đối, thường xuyên vận động thể chất, ngừng hút thuốc, giảm lượng bia rượu hấp thu.

Bệnh ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, hàng tháng nên có thói quen khám vú sau khi sạch kinh 5 ngày. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú gồm: khối u không đau ở ngực, thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú, núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại, làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp, có hạch ở hố nách.

Minh Nhật

Theo inews