Phát hiện HIV trong thời kỳ mang thai còn thấp

(Dân trí) - Theo ước tính tỉ lệ thai phụ nhiễm HIV những năm gần đây đã tăng lên khoảng 18,5 lần so với năm 1994 - 1995, tức là từ 0,02% lên tới 0,37%. Tuy nhiên, đa phần thai phụ nhiễm HIV đều được phát hiện muộn, nên khó phòng tránh nguy cơ lây truyền sang con.

Thông tin trên được TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản TƯ đưa ra tại Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp lần thứ IX vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hơn 40% thai phụ biết mình có HIV khi chuyển dạ

Theo TS Tiến, đây là một thực tế rất đáng lo ngại, gây khó khăn cho việc áp dụng điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Sản phụ không biết rằng, có tới 30 - 35% số trẻ sinh ra từ những bà mẹ có HIV sẽ bị nhiễm HIV nếu không có biện pháp can thiệp cần thiết.

Điều đáng nói, phần lớn những bà mẹ nhiễm HIV dù có thể biết mình có nguy cơ mang bệnh nhưng lại e ngại đi xét nghiệm máu sớm để phát hiện và được uống thuốc dự phòng kịp thời nhằm phòng lây cho con mình. Họ sợ không dám đối mặt với sự thật, nhỡ bị nhiễm HIV thì sẽ như thế nào. Thậm chí, nhiều người không biết rằng, nếu được phát hiện và uống thuốc dự phòng sẽ ngăn ngừa nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con.
 
Vì không đi xét nghiệm sớm, nên không ít các thai phụ tới khi chuyển dạ mới đến bệnh viện, sau khi xét nghiệm máu mới biết mình mắc HIV. Theo thống kê trong 3 năm từ 2005 - 2008, trong số khoảng 48.500 sản phụ đến khám và đẻ tại BV Phụ sản TƯ, sàng lọc được 271 trường hợp HIV dương tính. Trong đó, có tới 40% thai phụ chỉ biết mình nhiễm HIV khi chuyển dạ.  Điều này cũng có nghĩa, những sản phụ này tự đánh mất cơ hội để tiếp cận đến thuốc điều trị kháng vi - rút dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Điều trị dự phòng giảm lây truyền

TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định, nếu phát hiện HIV dương tính trong thời kỳ mang thai, gần như 100% các bà mẹ sẽ được điều trị dự phòng kháng vi rút bằng thuốc Nevirapine. Gần như 100% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV tại bệnh viện được điều trị dự phòng trong 7 ngày.

Trên thực tế, nếu được uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thai thứ 28, kết hợp không cho bú thì tỉ lệ lây bệnh giảm xuống chỉ còn khoảng 2 - 5% hoặc cao nhất là 10%. Nghĩa là tỷ lệ trẻ sinh ra từ bà mẹ mang thai nhiễm HIV hoàn toàn khoẻ mạnh, không mang vi rút này chiếm tỷ lệ rất cao, tới hơn 90%.

TS Tiến cho biết, trẻ có thể bị lây nhiễm HIV vào các giai đoạn: Trong thời gian mang thai, trong khi đẻ, giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền này.

Đã từng có trường hợp một cô gái mang thai được 7 tuần và đang bị nhiễm HIV nhưng gia đình vẫn dấu cô gái vì bản thân cô không biết mình bị nhiễm. Đến tuần thứ 9, trong một lần đi cùng bạn tới viện làm thủ tục sinh, cô mới đăng kí thử máu và nước tiểu. Kết quả HIV dương tính khiến cô choáng váng. Khi được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn, cô đã quyết định dùng thuốc dự phòng theo đúng chỉ dẫn. Thấp thỏm 9 tháng 10 ngày, cô sinh em bé. Hạnh phúc đã mỉm cười với cô gái, khi cậu con trai xét nghiệm không bị nhiễm HIV.

TS Tiến đưa ra lời khuyên, phụ nữ nên làm xét nghiệm HIV khi có ý định mang thai, nhất là đối với những phụ nữ từng có hành vi nguy có cao hoặc người chồng có hành vi nguy cơ cao. Khi có thai, nên đi khám sớm để phát hiện nếu có nguy cơ để được tư vấn, điều trị dự phòng.

Việt Nam đã có Chương trình Hành động Quốc gia về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ nay đến năm 2010, với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền từ 30% tổng số ca sinh xuống còn 10%; 90% phụ nữ mang thai và tất cả phụ nữ nhiễm HIV được cung cấp các dịch vụ tư vấn và điều trị ; 100% các trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
 

Hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp lần thứ IX đã thu hút khoảng 500 đại biểu đến từ hơn 40 tỉnh thành trong cả nước và một số nước trên thế giới. Có hơn 50 báo cáo khoa học của các chuyên gia hàng đầu đến từ Pháp, Úc, Thụy Điển,… và Việt Nam đề cập đến việc nâng cao việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong các lĩnh vực: Sản khoa, Phụ khoa, Kế hoạch hóa gia đình, Chấn đoán tiền sản, Thụ tinh ống nghiệm… đã được trình bày tại Hội nghị.

 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong sự hợp tác giữa ngành y tế Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực sản phụ khoa. Sự hợp tác này đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa, mang lại lợi ích cho người bệnh.

Hồng Hải