Phát hiện bệnh bằng cách “ngửi”

(Dân trí) - Con người có thể ngửi được “mùi ốm yếu” ở những người mà hệ miễn dịch đang hoạt động mạnh trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với chất độc.

 

Phát hiện bệnh bằng cách “ngửi”


Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska, Thụy Điển, có những bằng chứng khoa học và “truyền miệng” gợi ý rằng nhiều bệnh có mùi “đặc biệt”. Ví dụ, người bị tiểu đường đôi khi hơi thở có mùi như mùi táo thối hoặc mùi a xê tôn.

 

Khả năng phát hiện những mùi này là sự thích nghi quan trọng cho phép chúng ta tránh được những bệnh tiềm ẩn nguy cơ. Tuy nhiên, liệu khả năng này có tồn tại ở giai đoạn sớm của bệnh hay không.

 

Để kiểm tra giả thuyết này, nhóm nghiên cứu đã cho 8 người khỏe mạnh tiêm lipopolysaccharide (LPS) - một độc tố gây đáp ứng miễn dịch, hoặc nước muối. Những người này được mặc áp phông chật để thấm mồ hôi trong 4 giờ đồng hồ.

 

Những người được tiêm LPS đã tạo được đáp ứng miễn dịch đáng kể, bằng chứng là tăng thân nhiệt và tăng một nhóm các phân tử của hệ miễn dịch là cytokin.

 

Một nhóm khác gồm 40 người được yêu cầu ngửi các mẫu mồ hôi. Nhìn chung, họ đánh giá áo từ nhóm LPS có mùi “đậm đặc và khó chịu” hơn các khác. Họ cũng đánh giá áo của nhóm LPS là có mùi “không khỏe mạnh”.

 

Mối liên quan giữa hoạt động miễn dịch và mùi được giải thích một phần bởi nồng độ cytokin trong máu có tiếp xúc với LPS. Do đó, đáp ứng miễn dịch của đối tượng càng mạnh thì mồ hôi của họ càng có mùi “khó chịu”.

 

Điều lý thú là xét nghiệm hóa chất cho thấy không có sự khác biệt về lượng các hợp chất tạo mùi nói chung giữa nhóm LPS và nhóm đối chứng. Điều này gợi ý rằng hẳn phải có sự khác biệt có thể phát hiện được trong thành phần cấu tạo của các hợp chất này.

 

Tuy chưa chỉ ra đích danh hợp chất hóa học nào có vai trò, song việc chúng ra có thể “bắt được” tín hiệu xấu ngay sau khi hệ miễn dịch được kích hoạt là một phát hiện quan trọng. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những “manh mối” xã hội của bệnh tật, và mở ra cánh cửa để tìm hiểu cơ chế kìm hãm bệnh nhiễm trùng.

 

Thùy Linh

Theo ScienceDaily