Phạt 400 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 8 cơ sở y dược tư nhân không phép

(Dân trí) - Mặc dù chưa xảy ra những tai biến chết người, tàn phế nhưng những tồn tại trong hoạt động Y, Dược tư nhân (YDTN) đã dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo, gây dư luận không tốt trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực hành nghề YDTN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhiều cơ sở hoạt động sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

Phạt 400 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 8 cơ sở y dược tư nhân không phép - 1
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ ăn chặn thuốc tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.375 cơ sở hành nghề Y, 2.961 cơ sở hành nghề Dược tư nhân (không tính các tủ thuốc Trạm Y tế xã); trong đó có 16 bệnh viện tư nhân (10 bệnh viện đa khoa và 6 bệnh viện chuyên khoa với 2.920 giường bệnh); 59 phòng khám đa khoa, 774 phòng khám chuyên khoa; 443 phòng chẩn trị y học cổ truyền và bài thuốc gia truyền; 83 cơ sở dịch vụ y tế; 98 cơ sở bán buôn thuốc; 396 nhà thuốc; 2.321 quầy thuốc; 84 cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền.

Thực tế, nhiều cơ sở YDTN đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của nhân dân, giảm quá tải cho các cơ sở KCB công lập và đã có đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động hành nghề YDTN còn một số tồn lại như: Biển hiệu ghi chưa đúng quy định, quảng cáo không đúng với  khả năng chuyên môn, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, chỉ định dùng thuốc chưa an toàn hợp lý.

Đồng thời, không thực hiện đúng các quy định về điều kiện bảo quản thuốc; chưa thực hiện nghiêm về thực hành thao tác chuẩn; chưa niêm yết đầy đủ giá thuốc; sắp xếp tủ, quầy thuốc còn lộn xộn, còn để lẫn thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, chưa thực hiện nghiêm về quy định bán thuốc theo đơn; một số cơ sở hành nghề khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động...

Tuy chưa xảy ra những tai biến chết người, tàn phế như một số địa phương khác, nhưng những tồn tại này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo, gây dư luận không tốt trong xã hội, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

Năm 2019, Sở Y tế đã tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 76 cơ sở, qua đó phát hiện 17 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 17 cơ sở với tổng số tiền 401,5 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 8 cơ sở.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường quản lý hoạt động hành nghề YDTN trên địa bàn.

Theo Sở Y tế, nguyên nhân của thực trạng trên là do số lượng cơ sở hành nghề Y, Dược ngoài công lập nhiều, bao phủ rộng; nhân lực thực hiện nhiệm vụ còn thiếu; công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề YDTN ở một số huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm...

Trách nhiệm của thực trạng trên trước hết thuộc về Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc một số Sở, ban ngành liên quan trong công tác quản lý lĩnh vực hành nghề Y, Dược ngoài công lập.

Giám đốc Sở Y tế nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Theo đó, thời gian tới, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đồng thời thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở, cá nhân vi phạm để mọi người dân được biết.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động về hành nghề YDTN, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; giải quyết dứt điểm tình trạng các cơ sở hành nghề Y, Dược không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn.

Trần Lê