1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phập phù chất lượng thực phẩm chức năng

(Dân trí) - Chất lượng công bố một đường, kết quả kiểm định một nẻo, thực phẩm chức năng trở thành “ma trận” đánh đố người tiêu dùng. Nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đang gây nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc.

Sau nhiều vụ bê bối liên quan đến việc vận chuyển thực phẩm chức năng giả mạo, không rõ nguồn gốc bị xử lý trong thời gian qua, ngày 28/1 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo bàn về chuyên đề thực phẩm chức năng dưới góc độ quản lý, sản xuất và tiêu dùng.

Theo đó, đây là một mặt hàng “mới nổi” với khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường nên người tiêu dùng còn nhiều bỡ ngỡ. Đánh vào tâm lý ấy các nhãn hàng đã quảng cáo rầm rộ trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên thực tế chưa được kiểm duyệt chặt chẽ nên nhiều đơn vị đã “nổ” thực phẩm chức năng như một thần dược khiến người dân nhầm tưởng đó là thuốc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần kiểm tra thực phẩm chức năng tại TPHCM
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần kiểm tra thực phẩm chức năng tại TPHCM

Cùng với việc quảng cáo, thực phẩm chức năng còn được buôn bán theo hình thức đa cấp nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Trong năm qua, TPHCM đã phát hiện 35% các sai phạm liên quan đến thực phẩm chức năng do chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố, 17% chưa thực hiện công bố hợp quy phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 17% chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm.

BS Ngô Hoa Lư, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TPHCM cho biết, năm 2014, Trung tâm đã lấy 44 mẫu thực phẩm chức năng sản xuất trong nước để kiểm nghiệm thì có đến 14 mẫu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố ghi trên nhãn mác. Nếu so với năm 2012, số mẫu thực phẩm chức năng trong nước không đạt tăng đến 2,8 lần. Cùng với các sản phẩm trong nước không đạt chất lượng, nhiều sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cũng bị phát hiện có chất lượng thấp hơn so với tiêu chuẩn công bố.

Ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, chất lượng thực phẩm chức năng đang bị thả nổi chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, việc quản lý của các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho hoạt động gian lận khiến người tiêu dùng bị chìm trong “ma trận” của chất lượng và giá thành của mặt hàng thực phẩm chức năng.

Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng, Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, TPHCM, để tránh những thông tin quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm duyệt chặt chẽ các thông tin quảng cáo đồng thời thực hiện hậu kiểm đối với các đơn vị truyền thông. Về mặt chuyên môn, BS Ngô Hoa Lư cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xây dựng một quy chuẩn quản lý chất lượng, tăng cường hàng rào kỹ thuật để chủ động giám sát đối với thực phẩm chức năng.

Vân Sơn