1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phấn rôm có thực sự gây ung thư không?

(Dân trí) - Phấn rôm (bột talc) có làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng không? Phán quyết từ các bản án trong một vụ kiện có vẻ chỉ ra như vậy, nhưng sự đồng thuận của giới khoa học lại chưa có gì rõ ràng.

Bột talc bị cáo buộc là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng.
Bột talc bị cáo buộc là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng.

Mới đây, Johnson & Johnson, nhà sản xuất hàng gia dụng khổng lồ của thế giới, đã thua trong vụ kiện thứ hai về sản phẩm phấn rôm bị cho là gây ung thư. Trước đó công ty này cũng bị xử thua và phải bồi thường 72 triệu đô la cho gia đình của một phụ nữ đã qua đời do ung thư buồng trứng, mà thủ phạm bị cho là bột talc trong sản phẩm phấn rôm trẻ em.

Vấn đề không chỉ là liệu bột talc, mà một số phụ nữ dùng làm chất hút ẩm trong đồ lót hoặc băng vệ sinh, có góp phần vào nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng mà còn là những gì công ty đã làm khi đối mặt với những nghi vấn về sự an toàn của các sản phẩm.

Talc, thành phần chính trong bột phấn rôm, về mặt hóa học tương tự như amiăng, một chất đã được biết là gây ung thư, và cả hai đều nằm trong nhóm silica, những hợp chất có chứa cả silic và oxy trong cấu trúc. Cả hai cùng có trong tự nhiên, và amiăng có thể được tìm thấy trong bột talc cho đến những năm 1970, khi chất này bị loại bỏ ra khỏi tất cả các sản phẩm được bán tại Mỹ.

Có nhiều nghiên cứu được công bố báo cáo về mối liên quan giữa sử dụng bột talc và tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, từ đó "yêu cầu có thêm những cảnh báo sức khỏe cộng đồng". Tuy nhiên, lại có những nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng bột talc và ung thư buồng trứng. Do đó, Hội Ung thư Mỹ lưu ý những phát hiện này còn chưa thống nhất và đề nghị cần nghiên cứu thêm, nhưng khuyến nghị rằng mọi nguy cơ gia tăng có lẽ chỉ là rất nhỏ.

Cuối cùng, nếu bạn đã sử dụng phấn rôm thì không nên hoảng loạn. Bởi một phán quyết như thế này được đưa ra không chỉ đơn thuần là bằng chứng khoa học mà còn là những gì công ty đã làm trước những bằng chứng cho thấy sản phẩm có vấn đề.

Theo AP, một trong những bằng chứng được đưa ra để chống lại Johnson & Johnson là một biên bản nội bộ của công ty, so sánh những người phủ nhận mối liên quan giữa bột talc và ung thư buồng trứng với những người phủ nhận tương tự mối liên quan giữa hút thuốc và các bệnh ung thư khác. Câu hỏi đặt ra là phải chăng đã có sự cẩu thả trong việc cho phép sản phẩm này được bán ra?

Cẩm Tú

Theo The Daily Beast