1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Cuộc chiến giúp con chống bệnh tự kỷ:

Phần 3: Trở thành bác sĩ không bằng cấp

Giờ đây, bé Cún đã hoà nhập được với các thành viên trong gia đình, đã có thể biết nói, biết viết, chơi game trên máy tính, đi xe đạp, chạy xe gắn máy. Sự kiên trì và lòng yêu thương của người mẹ đã giành giật bé ra khỏi móng vuốt của căn bệnh tự kỷ.

Phải kiên nhẫn từng giờ

 

Học một tuần ở Mỹ, ngày 10 tiếng trên giảng đường; đọc cả trăm tài liệu liên quan đến bệnh tự kỷ của cả trăm bác sĩ Âu-Mỹ rồi quyết định thực hành trên bé Cún. 

 

Lần thực hành đầu tiên của chồng tôi: anh để một cái ghế nhỏ đối diện với cái anh đang ngồi chuẩn bị sẵn một ít chuối, bánh bẻ nhỏ. Lúc này Nicky hay đi tới đi lui thành vòng tròn trong phòng, không la hét nhiều nhưng vẫn thường xuyên dùng tay đập vào đầu. Ba Cún chỉ ghế và gọi: “Nicky tới đây, ngồi xuống”. Tất nhiên là bé không hề phản ứng. Ba Cún ôm Cún đem tới ghế ấn Cún ngồi xuống. Cún la hét, chuồi xuống đất, cắn ba, cào cấu mình, đập đầu xuống đất… Cứ mỗi lần như vậy thì ba bé lại xốc bé lên ấn xuống ghế, khi bé phản ứng yếu đi vì mệt thì cho một miếng chuối vào miệng bé và khen: “Giỏi! Ngồi xuống, giỏi lắm!”, mỗi lần khoảng 45 phút, khoảng 3 lần/ngày. Sau mỗi lần như vậy, ba Cún mướt mồ hôi và trông hốc hác. Một tuần lễ sau, khi nghe ba gọi: “Nicky! Tới đây! Ngồi xuống!” Bé chạy tới và ngồi yên trên ghế. Vợ chồng tôi rơi nước mắt. Chúng tôi hiểu rằng bé có thể học được một việc, nghĩa là bé có thể học được những việc khác.

 

Một trong những đòi hỏi gắt gao khi dạy trẻ chậm phát triển là thời lượng phải đủ theo đúng yêu cầu mà chỉ vợ chồng tôi thì không thoả mãn được điều kiện ấy, vì chồng tôi vẫn phải đi làm để bảo đảm kinh tế; còn tôi thì phải lo cho hai đứa con khoẻ mạnh khác là anh chị của bé Cún cũng rất cần bố mẹ. Thế nên chúng tôi chọn lọc và mời được cho Cún ba cô giáo (cô Nga, Loan, Hương). Các cô vừa học vừa làm, chúng tôi cùng nhau mò mẫm từng bước để dạy bé Cún. Một ngày 6 tiếng tập luyện với các cô là thời lượng cần thiết cho bé.

 

Tập được 6 tháng nữa thì bé chựng lại. Tuy bé đã bật ra được tiếng nói và nghe được một số lệnh đơn giản chứ không câm bặt và thờ ơ như trước. Nhưng tất cả các triệu chứng điển hình của bệnh tự kỷ hầu như chưa giảm là bao. Chúng tôi cảm thấy bất lực vì bộ giáo trình thì hay nhưng chúng tôi không có phương pháp khả thi để áp dụng nên không thể đẩy bé tiếp tục tiến lên được nữa. Tôi hoang mang, các cô giáo cũng dao động chỉ có chồng tôi là vẫn tin và lại tiếp tục lao vào tìm sự trợ giúp của các cha mẹ khác trên mạng internet và qua sự giới thiệu của họ, chúng tôi đã tìm được.

 

Đi tu nghiệp lần hai

 

Ngày 19/4/2001, cả hai vợ chồng tôi lên máy bay lần nữa, để lại cả ba cháu nhỏ ở nhà với ông bà ngoại, quyết tâm đi học để có thể cứu được bé Cún.

 

Trong khoá học của bác sĩ Vincent Carbone, ông cho xem nhiều băng hình về những bé mà cha mẹ đã học hoặc đang học chung với chúng tôi. Tôi thật tủi thân vì nhận ra tình trạng bệnh của con tôi nặng hơn tất cả những bé khác mà tôi được xem thông qua 4 khoá học từ thấp tới cao (gần 100 bé). Và sau này là khoảng hơn 40 bé ở Việt Nam mà cha mẹ đem đến nhờ tôi giúp.

 

Học xong khoá học trên, chúng tôi quay về huấn luyện cấp tốc cho các cô để áp dụng ngay dưới sự theo dõi của tôi.

 

Hiệu quả được thể hiện ngay. Từ thời điểm đó trở đi, bé Cún bắt đầu tiến bộ trông thấy, các triệu chứng dễ sợ của chứng tự kỷ mất dần và có cái đã mất hẳn. Từ một con người chỉ mới sống bằng phần CON chứ chưa có phần NGƯỜI, bé đã từ từ học lại từng chức năng một để trở thành một con người như vốn được sinh ra, khả năng tư duy từng bước được khôi phục. Bé học chơi đùa, học nhảy nhót, nghe, nhìn, học đọc, học biết ai là ba mẹ, anh chị… những điều mà một bé khoẻ mạnh bình thường vốn không cần học cũng biết. Cao hơn chút nữa, bé học cách cảm nhận cảm xúc của người đang tiếp xúc với mình, học cách giao lưu bằng mắt. Dần dà, bé thể hiện tình cảm bằng mắt thật sinh động. Cô Nga, cô Loan và cô Hương đã thực sự trải lòng, dốc hết sức và trí tuệ để giúp bé Cún. Tình thương mà các cô và gia đình truyền cho bé đã dạy bé… cảm thụ được những trạng thái tình cảm khác nhau vốn là một điều hết sức trừu tượng đối với trẻ tự kỷ. Cuối cùng bé Cún đã tự MỞ CỬA ra với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đã kéo được bé ra khỏi cái xà lim “tự kỷ” tăm tối khốn khổ.

 

Truyền phương pháp cho những gia đình đồng cảnh

 

Cuối năm 2001, do tình cờ, chồng tôi đem về nhà một gia đình có bé cũng bị bệnh như Cún yêu cầu tôi giúp họ. Sau đó, miệng truyền miệng, tôi nhận thêm 1-2 bé nữa. Theo lời các gia đình ấy thì họ đã bế con đi khắp nơi mà vẫn chưa thu được kết quả gì, càng đi càng thấy bế tắc. Tôi tổ chức cho mỗi gia đình một khoá học về phương pháp phục hồi và đối với mỗi bé cứ sau vài tháng là bắt đầu nhận được hồi đáp từ cha mẹ: các bé mau chóng khá hơn, làm được những điều mà cha mẹ chưa bao giờ dám nghĩ tới.

 

Tôi nhận ra rằng, số kiến thức mà ơn trời tôi có được, nếu chỉ dùng để chữa cho một mình bé Cún thì phí phạm quá. Còn rất nhiều bà mẹ, nhiều gia đình khác đang tuyệt vọng và đau xót như tôi từng trải. Thế là tôi thử bắt đầu con đường mới của mình. Tôi nhận thêm vài bé nữa và thực sự tìm được niềm vui khi nhìn thấy các bé đang cùng với bé Cún của tôi dần dần phục hồi, giảm bớt nỗi lo và nỗi đau cho gia đình các bé.

 

Còn Cún, đến thời điểm cuối năm 2002 này, tiến bộ của bé hiện ra từng ngày. Bé biết đi tiểu một mình trong toilet, ngủ khoảng 10 tiếng/ngày. Buổi trưa, mẹ có thể bảo bé lên giường nằm và bé sẽ tự động nằm im và rơi vào giấc ngủ ngoan. Cũng có những buổi bé trốn ngủ nhưng vẫn giữ im lặng, không phá phách, chơi quanh quẩn gần mẹ cho đến khi mẹ thức dậy mới phá tiếp! Biết xem thú trong Sở Thú, thích leo cây, bé đọc được tiếng Việt chương trình vỡ lòng (cả chữ và số), đọc được khoảng 3-400 từ tiếng Anh là tiếng cha đẻ, đánh vần tốt hai thứ tiếng. Giao lưu tốt với người thân và người quen, thích chơi ngoài trời,… những điều thường không biểu hiện ở bé tự kỷ. Bé bơi rất giỏi, ngày càng hiếu động và tò mò. Tập trung rất tốt trong giờ trị liệu và trong các trò chơi. Các thành viên trong gia đình có thể sai bé làm những điều đơn giản. Bệnh táo bón đã mất hẳn.

 

Chúng tôi bắt đầu dạy cho hai bé lớn những kỹ thuật đơn giản, rồi dần dần hai cháu trở thành hai cộng tác viên đắc lực của cha mẹ tự lúc nào. Có lẽ vì vậy mà bé Cún tiến bộ ngày càng nhanh.

 

Tôi muốn giúp tất cả những gia đình ấy theo đánh giá của riêng tôi, bé Cún mới đi được 1/3 quãng đường mà bé phải đi. Con đường phía trước còn xa lắm nhưng chúng tôi yên tâm vì đã thấy được ánh sáng của lối ra. Bé Cún của tôi giờ đây đã là một bé mỗi ngày biết đem lại những niềm vui nho nhỏ cho cả nhà.

 

* Phần 2:

Theo Lê Thị Phương Nga

Sài Gòn tiếp thị