1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phải xét nghiệm máu liên tục khi dùng thuốc chống đông?

(Dân trí) - Chồng tôi vừa mổ thay van động mạch chủ cách đây hơn 1 tháng. Nhưng hiện hàng tuần tôi phải đưa chồng lên viện E làm xét nghiệm máu, theo dõi chỉ số INR. Chi phí xét nghiệm máu không nhiều nhưng đi lại rất vất vả....

...Xin hỏi việc bác sĩ yêu cầu xét nghiệm hàng tuần như vậy có quá nhiều không? (Phạm Thị Thuấn, ở Tứ Kỳ, Hải Dương)
 
Điều dưỡng TT Tim mạch, BV E, đang hướng dẫn bệnh nhân cách tự kiểm tra chỉ số INR
Điều dưỡng TT Tim mạch, BV E, đang hướng dẫn bệnh nhân cách tự kiểm tra chỉ số INR

 

PGS.TS. BS Lê Ngọc Thành, Giám đốc TT Tim mạch, bệnh viện E Hà Nội, trả lời:

 

Trước hết, cần phải hiểu, xét nghiệm máu theo dõi chỉ số INR là cách xác định thời gian máu đông và xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch (tại bệnh viện) hoặc ở đầu ngón tay (tự làm tại nhà).

 

Và việc xét nghiệm máu hàng tuần hoặc 2 tuần 1 lần là bắt buộc đối với bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng liệu pháp chống đông lần đầu tiên. Đặc biệt là với những trường hợp thay van tim như chị, việc xét nghiệm hàng tuần trong 6 tháng đầu sau mổ là rất cần thiết.

 

Sở dĩ phải làm xét nghiệm này là do việc dùng thuốc chống đông, một loại dược phẩm giúp ngăn ngừa máu vón cục, hay còn gọi là chất làm loãng máu, thủ phạm chính gây đột quỵ ở người có bệnh lý tim mạch mãn tính (bệnh rung nhĩ, thuyên tắc khối tính mạch, nhồi máu cơ tim hay đặc biệt là sau khi thay van tim cơ học như trường hợp của chồng chị)… không hề đơn giản.

 

Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài như chế độ ăn, mức độ hoạt động thể lực, thuốc điều trị và các bệnh lý khác như cảm cúm nên dù dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ hình cành cục máu đông và độ quỵ nếu chỉ số INR thấp hoặc bị xuất huyết nội không kiểm soát nếu chỉ số này quá cao.

 

Và khi chỉ số này không nằm trong ngưỡng cho phép (2-3 đối với trường hợp không thay van tim cơ học; từ 2,5 – 3,5 đối với trường hợp thay van tim cơ học) thì nguy cơ biến chứng sẽ tăng cao (chủ yếu là chảy máu và kẹt van tim), đặc biệt trong 6 tháng đầu.

 

Vì vậy, lý tưởng nhất, tức là ngay cả khi chỉ số INR đã ổn định, bác sĩ chỉ định 1 tháng làm xét nghiệm 1 lần, thì chồng chị vẫn nên kiểm tra chỉ số INR này thường xuyên hàng tuần.

 

Thay vì đưa chồng lên Hà Nội, chị có thể thực hiện việc kiểm tra chỉ số này tại nhà bằng thiết bị chuyên dụng và thông báo kết quả cho bác sĩ điều trị qua điện thoại để nhận được những tư vấn cần thiết.

 

Nhân Hà (ghi)