Phải bồi thường tổn thất cho gia đình 3 trẻ sơ sinh tử vong

(Dân trí) - “Sinh ra với bao sự mong đợi của gia đình vậy mà cả ba bé đều bị cướp đi mất quyền sống. Đứng về đạo lý, dù chưa xác định nguyên nhân, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về ngành y tế”, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục BV&CSTE, Bộ LĐTBXH, chia sẻ

Cần xin lỗi, bồi thường

 
GS.TS Trịnh Quân Huấn (trái) và ông Nguyễn Trọng An (phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.A
GS.TS Trịnh Quân Huấn (trái) và ông Nguyễn Trọng An (phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.A

“3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong là những tổn thất rất nặng nề. Chúng ta nói vắc xin tốt, đúng. Nhưng vì sao vẫn xảy ra tai biến, xảy ra tử vong mà chưa đưa ra được một lời khẳng định chắc chắn vắc xin có an toàn hay không. Cả ba em bé đều bị cướp đi mất quyền sống, đứng về đạo lý, khi có một sự mất mát, mà do ngành y tế (chưa xác định ra nguyên nhân) người lãnh đạo cao nhất ngành y tế cần có sự chia sẻ với các gia đình. Đáng nói, từ trước đến nay, những ca tử vong do vắc xin không được chỉ ra nguyên nhân rõ ràng và cũng không cháu nào được bồi thường, dù chỉ là lời xin lỗi của ngành y tế”, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nhìn lại chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia” diễn ra chiều 1/8 do Kênh VTC14 tổ chức.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Chánh văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trong luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm cũng đề cập vấn đề bồi thường. Khi có sự cố xảy ra, tìm được nguyên nhân nếu là do vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Còn nếu nếu lỗi do người tiêm, người tiêm phải chịu trách nhiệm. Vấn đề từ xin lỗi, nhận lỗi cho đến bồi thường là chắc chắn, tuy nhiên tại Việt Nam đúng là chưa từng có tiền lệ, nhưng dần phải hoàn thiện.

Phải thay đổi quy trình tiêm chủng

GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng, sau sự cố khiến 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị, chính vì chúng ta không rõ ràng, chậm trễ như hiện nay mà gây nên sự hoang mang ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêm chủng cho trẻ em. Ngành y tế khẳng định chắc chắn vắc xin không có vấn đề gì, đội ngũ tiêm chủng hoàn hảo thì mới mang lại lòng tin cho người dân.

“Về nguyên nhân các tai biến của tiêm chủng, có 3 khả năng có thể nghĩ tới, đó là do vắc xin, quy trình tiêm chủng, do bệnh tật (hội chứng đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi). Ở Việt Nam, hội chứng đột tử ở trẻ là 15,8/1000 trẻ đẻ sống, như vậy một ngày ở nước ta có tới 50 trẻ tử vong do hội chứng này. Tần xuất kết hợp với việc tiêm vắc xin hay bất kỳ tác động nào vào thời điểm đó rất là cao. Tuy nhiên liên quan đến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị, nguyên nhân bệnh lý đồng thời đã được loại bỏ, quy trình tiêm chủng đã phát hiện các sai sót, giờ chờ kết quả kiểm nghiệm vắc xin là sẽ chỉ ra được nguyên nhân”, ông Huấn nói.

Vị chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cũng bày tỏ, chắc chắn sẽ tìm ra được nguyên nhân tử vong của ba trẻ. Kể cả trong trường hợp không tìm ra thì cũng phải thay đổi quy trình tiêm chủng. Bởi có nơi, buổi tiêm chủng đón đến 200 cháu, rất khó để khám kỹ, biết cháu nào có tiền sử, cháu nào chống chỉ định tiêm. Rồi sau vụ tai biến ở Quảng Trị, đã phát hiện việc sắp xếp vắc xin sai quy định, để lẫn lộn với rất nhiều loại thuốc khác, dễ gây tiêm nhầm... Vì thế, phải sửa đổi quy trình tiêm chủng, trong đó có sắp xếp vắc xin, vị trí tiêm chủng… Nên thay đổi ngày tiêm chủng thành tuần tiêm chủng. Trong buổi tiêm chủng trong một huyện phải có tổ bác sĩ, cấp cứu để khám sàng lọc. “Khám sàng lọc tốt giúp giảm tối đa phản ứng sau tiêm chủng. Tôi chắc chắn, bố trí lại buổi tiêm chủng, khám sàng lọc tốt, tỉ lệ phản ứng sẽ giảm đi nhiều”, ông Huấn khẳng định.

Liên quan đến các phản ứng sau tiêm chủng, ông Nguyễn Văn Cường cho biết: “Mỗi năm Việt Nam sử dụng 50 triệu liều các loại vắc xin khác nhau trong tiêm chủng mở rộng, trong đó có khoảng 10 trường hợp phản ứng xảy ra sau tiêm chủng. Sau các tai biến này, Hội đồng khoa học cấp tỉnh, cấp Bộ đều đã họp, gần đây nhất còn mời chuyên gia quốc tế cùng chúng ta xem xét nguyên nhân. Với số phản ứng nặng mỗi năm chừng 10 trường hợp trong tổng số 50 triệu liều được tiêm, các chuyên gia đều nhận xét các vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là an toàn.

Cũng theo ông Cường, không phải sau mỗi sự cố Bộ Y tế mới tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng mà công việc này được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, với mạng lưới hơn 11.000 xã (mỗi xã có 1 - 2 trạm y tế), chưa kể điểm tiêm chủng ở bên ngoài nên việc kiểm tra giám sát dù làm thường xuyên nhưng cũng rất khó khăn. Không chỉ kiểm tra định kỳ, Bộ Y tế còn thường xuyên kiểm tra đột xuất. Việc thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng sẽ giảm được nguy cơ phản ứng sau tiêm.

Tú Anh