Ổ viêm răng miệng có thể gây nhiễm trùng toàn thân nguy kịch

(Dân trí) - GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các bệnh lý răng miệng. Trên thực tế, có những trường hợp bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm trùng huyết nguy kịch, bắt nguồn từ ổ viêm chân răng không được xử lý.

Bên lề Hội nghị khoa học và triển lãm Răng hàm mặt Quốc tế lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23-25/8. GS Hải cho biết, các bệnh lý nha khoa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, như gây nên tình trạng mất răng, hơi thở hôi, đau răng… mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

GS.TS Trịnh Đình Hải khuyến cáo người dân vệ sinh răng miệng đúng cách, khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh răng miệng ở giai đoạn sớm. Ảnh: H.Hải
GS.TS Trịnh Đình Hải khuyến cáo người dân vệ sinh răng miệng đúng cách, khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện, xử lý các bệnh răng miệng ở giai đoạn sớm. Ảnh: H.Hải

Trên thực tế, có những bệnh nhân đến viện trong tình trạng ổ viêm răng rất nghiêm trọng, gây sốt cao. Có trường hợp nhiễm trùng máu từ ổ viêm chân răng không được xử lý.

Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ phải chỉ định điều trị tình trạng viêm nhiễm đến khi ổn định là xử lý về chuyên môn nha khoa. Vì lúc này ổ viêm sẽ là một “ổ” vi khuẩn rất nguy hiểm nếu xâm nhập vào đường máu, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Vì thế, chuyên gia đưa ra khuyến cáo người dân cần biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách trước khi đi ngủ, sau khi ăn.

Tốt nhất mỗi người nên chải răng 2 lần một ngày, sử dụng các dụng cụ làm sạch các kẽ răng như chỉ nha khoa, đánh kỹ cả mặt trước, trong của răng… là điều cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng. Ngoài ra, mỗi tuần một lần bạn nên sử dụng nước flo để súc miệng, giúp giảm hiệu quả tỷ lệ răng bị sâu.

Khi có tình trạng sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng, cao răng… cần đi khám để được xử lý sớm, đừng để đến lúc không bảo tồn được răng mới đến bệnh viện. Khi đó, răng thật mất, chi phí điều trị sẽ tăng cao, tốn kém cho người bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

GS Hải chia sẻ thêm, hiện nay với sự phát triển của ngành răng hàm mặt hiện nay, nhiều kỹ thuật khó đã được triển khai thành công từ cấy ghép nha khoa, nắn chỉnh răng, Phẫu thuật Miệng- Hàm- Mặt, Phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm, Nha khoa phục hồi, Nha khoa thẩm mỹ… Các chuyên đề này cũng được báo cáo tại Hội nghị.

Thông qua hội nghị, GS Hải hi vọng sẽ giúp tăng cường chất lượng mạng lưới Răng Hàm Mặt để sao cho mỗi người dân trong cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, được điều trị các bệnh răng miệng thông thường với kỹ thuật tốt.

Tăng cường điều kiện cho các cơ sở Răng Hàm Mặt có thể giữ người bệnh điều trị trong nước với các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, thay vì phải để người bệnh ra nước ngoài điều trị rất tốn kém.

Tăng cường công tác dự phòng, góp phần tăng cường sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng.

GS Hải chia sẻ thêm, chi phí cấy ghép nha khoa tại Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với nước ngoài, trong khi các kỹ thuật thì tương đương. Vì thế, ngày càng có nhiều người nước ngoài cũng tìm đến điều trị các bệnh lý về hàm mặt, cấy ghép răng.

Với những kỹ thuật khó Việt Nam đã làm chủ, như vi phẫu ghép thay thế xương hàm, ghép một phần khuôn măt đã trở thành kỹ thuật thực hiện thường quy tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương hiện một số nước như Singapore, Thái Lan… đặt vấn đề cử bác sĩ sang Bệnh viện học hỏi kỹ thuật.

Tuy nhiên trong các lĩnh vực về răng hàm mặt, GS Hải quan tâm nhất vấn đề dự phòng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách.

Ngoài các vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày, bác sĩ khuyến cáo cần chú ý khám răng định kỳ 6 tháng một lần; chải răng miệng đúng cách; hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn trẻ ăn theo bữa, không ngậm thức ăn lâu trong miệng. Khi có vấn đề bệnh lý răng, miệng cần điều trị sớm tránh nguy cơ biến chứng, phải can thiệp phức tạp, tốn kém.

Hồng Hải