Nuốt cơm, vỗ lưng chữa hóc xương: Nguy cơ nhiễm trùng, thủng thực quản

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi bị hóc xương cá, xương gà…, thay vì đến bệnh viện, nhiều người thường áp dụng các mẹo chữa hóc xương như nuốt miếng cơm hoặc thức ăn lớn, uống nước, vỗ ở lưng để xương có thể bong ra.

Mặc dù đôi khi mang lại hiệu quả, nhưng theo PGS.TS Lương Thị Minh Hương, khoa Nội soi, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội), đây là những phương pháp chữa hóc dị vật đường ăn "lợi bất cập hại".

Nuốt cơm, vỗ lưng chữa hóc xương: Nguy cơ nhiễm trùng, thủng thực quản - 1

PGS Hương phân tích: "Khi hóc xương hoặc các dị vật khác, việc nuốt thêm đồ ăn hay nước có thể đẩy dị vật cắm sâu hơn vào thành hạ họng hay thành thực quản. Lúc này, ngay cả khi đến bệnh viện, các bác sĩ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nội soi phát hiện vị trí dị vật, cũng như gắp dị vật ra. Trong khi đó, việc vỗ lưng có thể làm dị vật sau khi bong ra bị lạc vào đường thở thì còn nguy hiểm hơn".

Theo PGS Hương, các trường hợp hóc dị vật đường ăn thường ít gây ra tình trạng thậm cấp đe dọa tính mạng tức thì như hóc dị vật đường thở. Tuy nhiên, dị vật không được lấy ra sau một thời gian ngắn (trong vòng 24h) sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở đường ăn.

Nuốt cơm, vỗ lưng chữa hóc xương: Nguy cơ nhiễm trùng, thủng thực quản - 2

PGS.TS Lương Thị Minh Hương, khoa Nội soi, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương nội soi cho một bệnh nhân

"Chúng ta biết đường ăn có rất nhiều vi khuẩn nên nhiễm trùng rất nhanh. Nhiễm trùng ở vùng cổ, vùng ngực rất dễ lan sang các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng để muộn có thể dẫn tới viêm tấy vùng cổ sâu, viêm tấy trung thấp, thủng thực quản, thủng dạ dày. Nguy hiểm hơn, khi bị chèn ép, ổ mủ có thể vỡ ra tràn vào đường thở gây ngạt thở, đôi khi xương động vật hoặc dị vật sắc nhọn cũng có thể gây thủng mạch máu lớn như thủng động mạch chủ hoặc động mạch cảnh gây chảy máu ồ ạt dẫn tới tử vong", PGS Hương lý giải.

Do đó, PGS Hương nhấn mạnh rằng, khi bị mắc xương hay hóc các dị vật đường ăn, không áp dụng các mẹo chữa hóc tại nhà, mà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất, để được bác sĩ xử lý.

Nguyên tắc cần nhớ để phòng hóc dị vật đường ăn

Theo PGS Hương, hóc dị vật đường ăn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên tại khoa Nội soi, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, đối tượng thường gặp nhất là trẻ em bị hóc xương hay các vật nhỏ khác như: mảnh nhựa đồ chơi, viên pin, viên bi…

Nuốt cơm, vỗ lưng chữa hóc xương: Nguy cơ nhiễm trùng, thủng thực quản - 3

Bên cạnh đó, còn có người cao tuổi bị hóc răng giả, thuốc còn nguyên bao bì. Thậm chí, có không ít trường hợp thanh niên say rượu bị hóc đồ nhắm.

"Có trường hợp say rượu đến với chúng tôi bị hóc cả một phần chân chó, rất khó khăn để có thể gắp dị vật này ra", PGS Hương chia sẻ.

Để phòng ngừa hóc dị vật đường ăn, PGS Hương khuyến cáo:

- Cần thận trọng khi ăn các món ăn có xương nhỏ. Đặc biệt với trẻ em, người già nên tách xương khỏi món ăn.

- Những người có răng giả cần đề phòng nguy cơ răng bị rơi ra, gây hóc.

- Khi sử dụng rượu bia, nên tránh các món ăn có xương dễ gây hóc.

- Không nên cười đùa trong khi ăn uống.

- Để các vật nhỏ như viên pin, viên bi, mảnh đồ chơi ra khỏi tầm với của trẻ em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm