Nuôi rắn "nữ hoàng bóng đêm" làm cảnh, bé gái bị cắn tử vong

Vân Sơn

(Dân trí) - Thấy loài rắn "nữ hoàng bóng đêm" sống quanh nhà nhưng gia đình không xua đuổi mà xem chúng như thú cưng dùng để bắt chuột và làm cảnh. Loài rắn sống cùng đã tấn công khiến bé gái tử vong.

Ngày 6/4, Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thông tin về một trường hợp tử vong do rắn hoa cổ đỏ (hay còn gọi là rắn học trò, rắn hổ lửa, nữ hoàng bóng đêm) cắn gây nhiễm độc, rối loạn đông máu, không thể cứu nổi. 

Bé gái bị tử vong là N.T.N.T. (15 tháng tuổi, ngụ tại Tiền Giang) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, chiều ngày 29/3 khi bé đang chơi cùng chị gái (5 tuổi) trong sân nhà thì bị một con rắn hoa cổ đỏ cắn vào vùng cẳng tay phải. Bé chị 5 tuổi chạy lại giải cứu cho em nên cũng bị rắn cắn một vết vào tay. 

Nuôi rắn nữ hoàng bóng đêm làm cảnh, bé gái bị cắn tử vong - 1

Loài rắn "nữ hoàng bóng đêm" là hung thủ đã tấn công khiến bệnh nhi tử vong.

Con rắn tấn công hai chị em bé gái, trước đó được xem như vật nuôi trong gia đình vì người lớn cho rằng nó có thể bắt chuột và rất hiền không tấn công người. Tuy nhiên, khi bé gái 15 tháng tuổi tiếp cận với rắn đã bị nó tấn công. Cả hai bé được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang sơ cứu. Bé chị tình trạng nhẹ nên sau khi sơ cứu và theo dõi được bác sĩ cho xuất viện. Riêng bé N.T.N.T. khi nhập viện, bác sĩ đánh giá bé có biểu hiện nhiễm độc nặng nên chuyển lên TPHCM điều trị. Tại đây, tình trạng chảy máu của bé diễn tiến nặng không thể cầm, các bác sĩ đánh giá bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng. 

BS Đinh Tấn Phương cho biết, bệnh nhi bị rối loạn đông máu toàn thân dẫn tới suy hô hấp nặng. Dù đã được băng ép nên máu vùng cẳng tay phải nhưng vẫn không thể cầm máu. Qua hình ảnh xác nhận từ phía gia đình cho thấy, loài rắn đã cắn bệnh nhi là rắn nữ hoàng hay còn gọi là rắn hoa cổ đỏ. 

Các bác sĩ đã truyền rất nhiều sản phẩm máu như huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu nhưng máu vẫn chảy liên tục. Bé được đưa vào khoa hồi sức tích cực, mở nội khí quản, thở máy.  Dù ê kíp các bác sĩ cứu chữa và phối hợp chuyên môn với nhiều bệnh viện đầu ngành trên địa bàn TPHCM tuy nhiên đây là loài rắn chưa có huyết thanh kháng nọc nên chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng. 

Sau 2 ngày nỗ lực cứu chữa, bệnh nhi đã không qua được nguy kịch vì rối loạn đông máu, suy hô hấp, xuất huyết não.

Bác sĩ cảnh báo rắn nữ hoàng bóng đêm hay còn gọi là rắn học trò có màu sắc bắt mắt nên được nhiều trẻ nuôi như thú cưng. Loài rắn này bình thường rất hiền, không tấn công người. Tuy nhiên, trên thực tế, tính khí của chúng rất thất thường, trong giai đoạn sinh sản với bản năng bảo vệ con nguy cơ chúng tấn công người ở mức rất cao. 

Nuôi rắn nữ hoàng bóng đêm làm cảnh, bé gái bị cắn tử vong - 2
BS Đinh Tấn Phương xót xa chia sẻ về trường hợp tử vong trong sự bất lực của ê kíp điều trị.

Theo phân tích của BS Tấn Phương, rắn hoa cổ đỏ không tự sản xuất ra chất độc mà chất độc được cơ thể rắn tự tổng hợp từ chính nguồn thức ăn của chúng. Trong đó, món ăn khoái khẩu của nó lại là các con vật có chất độc như: con cóc và một số loại động vật khác trong môi trường. 

Thứ nữa, khác với các loại rắn độc khác như rắn hổ tre, rắn hổ mang chúa chứa nọc độc tại hai răng nanh cửa miệng khi cắn chất độc từ răng nanh này bơm vào cơ thể con người và ở ngay vết cắn nông. Còn loại rắn hoa cổ đỏ nọc độc lại chứa trong hai răng trong cùng. Khi cắn nạn nhân đủ sâu, nọc độc bơm từ răng này vào cơ thể người và phát tác vì vậy có trường hợp nạn nhân bị rắn cắn nhiễm độc, nhưng có người bị cắn không bị nhiễm độc. 

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, hiện nay đang có xu hướng nhiều người nuôi rắn, nuôi rết và các loài có độc xem chúng như thú cưng trong nhà, điều này rất nguy hiểm. Động vật hoang dã bản tính tự vệ rất cao nên khi có những tác động mang tính đe dọa, chúng sẽ ngay lập tức tấn công theo phản xạ tự vệ. Không nên nuôi các loài động vật hoang dã đặc biệt là rắn đề tránh rủi ro có thể xảy ra.