Nuôi dạy trẻ, “hãy nói không với ép ăn”
(Dân trí) - Việc thúc ép trẻ nhỏ ăn uống có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như: tính nết của trẻ có xu hướng cục cằn, nóng nảy, trẻ sẽ hay quậy phá, dẫn đến dễ bị tai nạn trong sinh hoạt.
Là giảng viên chính bộ môn Nhi - ĐH Y dược TPHCM, đồng thời là Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, BS Ngọc Diệp nhận thấy việc trẻ nhỏ bị ép ăn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Hậu quả trước tiên, nếu bé không muốn ăn mà bị ép thì bé sẽ bị “nhợn” lên. Nhợn lên có nghĩa là dịch dạ dày trào lên có thể làm thực quản của bé đau, ban đêm khó ngủ giống như người lớn đau dạ dày.
Về lâu dài, ấn tượng về việc bị ép ăn có thể ảnh hưởng đến vô thức của trẻ, khiến tâm lý những trẻ này có khuynh hướng cộc tính, hung dữ, hay quậy phá dẫn đến việc trẻ dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt thường ngày.
PGS. TS Đoàn Thị Ngọc Diệp cũng bày tỏ nỗi quan ngại khi giá trị cốt lõi của con người đang bị thay đổi, thể hiện trong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ ngày nay. Việc dạy con ngày xưa quan niệm “thành nhân = thành công” (dạy con nên người là thành công) thì ngày nay quan niệm “thành danh = thành công” (con phải có danh vọng mới là thành công).
Ngoài ra, việc nuôi trẻ ngày nay chú trọng giá trị định lượng hơn định tính. Ví dụ: ngày xưa cha mẹ quan tâm đứa trẻ: ăn ngon không, chơi vui không, ngủ ngoan không?... Thì ngày nay họ cứ chăm chú: con mình cao bao nhiêu, cân nặng thế nào, ngủ được mấy tiếng… và rất hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác.
Nuôi dạy một đứa trẻ thành công phụ thuộc 2 yếu tố: di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền được BS Diệp so sánh vui với việc “chọn giống cây trồng” trong nông nghiệp. Đây cũng là lý do mà tục ngữ Việt Nam có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”.
Nếu chẳng may “giống” chưa tốt thì phải uốn nắn đứa trẻ như thế nào? BS Diệp chia sẻ: “Thời gian mang thai và 2 năm đầu đời quyết định nhiều nhất đến sự phát triển thể chất, trí thông minh và nhân cách của con người. Vì vậy, phụ huynh nên dành sự quan tâm nhiều nhất đến con mình trong giai đoạn này”.
Chẳng hạn, nếu đứa trẻ có cha mẹ rất nóng tính thì khi bé còn nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên mát-xa cho trẻ, mở nhạc êm dịu, đối xử dịu dàng với trẻ… thì có thể giúp đứa trẻ trở nên đằm tính hơn.
Và một số điểm mấu chốt mà PGS. TS Đoàn Thị Ngọc Diệp mong muốn các bậc phụ huynh lưu tâm như sau: Đừng đối đầu với con cái mà hãy đứng cùng phe với con; Cha mẹ luôn cùng chung tiếng nói; Làm mẹ “vừa đủ” tốt, hãy để trẻ tự đứng trên đôi chân của mình; Phân biệt học trước khác với học giỏi; tuổi thơ quyết định nhân cách, nhân cách quyết định cuộc đời, hãy cho con tuổi thơ bình yên.
Hồng Nhung