Nước Hà Nội nhiễm amoni: Người dân đừng quá lo lắng
Hiện nay dư luận khá hoang mang về thông tin nước Hà Nội nhiễm amoni. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học về môi trường và chuyên nghiên cứu về giải pháp xử lý nước thì dường như, thông tin này không có đầu, có cuối nên dẫn đến việc lo lắng thái quá.
Không phải tất cả amoni đều nguy hiểm
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, tác giả của giải pháp xử lý nước nhiễm asen bằng đá ong cho biết: Việc nước nhiễm amoni tại Hà Nội điều mà hầu như các nhà khoa học, viện nghiên cứu nào cũng biết. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Khu vực phía nam Hà Nội là khu vực nhiễm amoni cao nhất. Thực tế, nước nhiễm amoni là điều tất nhiên vì cấu tạo địa chất khu vực này là tầng than bùn, có nhưng nơi 2 - 3 tầng.
Điều này cũng được KS Lê Tứ Hải, Viện Công nghệ Môi trường, Viện KH&CN Việt Nam đồng tình: “Nước nhiễm amoni là có nhưng tới mức độ nguy hiểm ngay lập tức. Đôi khi chúng ta rơi vào thế bất khả kháng như bản chất nước cung cấp nhiễm amoni sẵn, hàng bao đời nay đã sử dụng rồi. Tuy nhiên, người dân không nên giật mình thái quá, cần bình tĩnh cân nhắc để tìm giải pháp hữu ích cho mình”.
Không ai phủ nhận con số nhiễm amoni trong nước được công bố, tuy nhiên, cách công bố đã khiến người dân thực sự hoang mang cho rằng, cứ nước nhiễm amoni là ảnh hưởng đến sức khỏe. PGS Côn phân tích: Amoni có những yếu tố tác động như oxy, chất xúc tác chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Trong hai chất này, nitrit mới thực sự gây nguy hiểm, chúng tác động đến hemoglobin chuyển hóa máu gây biến dị tế bào, dẫn đến gây bệnh ung thư.
Tuy nhiên, sản phẩm trung gian nitrit không phải lúc nào cũng được hình thành. Bên cạn đó, PGS Côn khẳng định, dù ngưỡng cho phép của WHO là 3mg amoni/1 nhưng chưa có bất cứ một nghiên cứu nào khẳng định trên ngưỡng bao nhiêu là gây hại. Bản thân tiêu chuẩn cũng không phải mang tính cảnh báo: Đâu là giới hạn an toàn, đâu là giới hạn có thể gây nguy hiểm để dân đề phòng.
Cẩn thận tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Cảnh báo đầu tiên mà PGS Côn đưa ra: Người dân nghe thông tin hoang mang và lo sợ, nhiều người đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng nước khoáng. Điều này quá nguy hiểm bởi sau một năm sẽ dẫn đến việc thiếu vi chất, mà quan trọng, chúng khó xác định dấu hiệu. Ví dụ như: Thiếu asen có thể gây ngớ ngẩn; Thiếu coban gây khó khăn trong chuyển hóa; B12 gây cơ nhũn, người mệt mỏi... Hoặc nhiều người vì quá thận trọng sử dụng cái đó.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, ĐHKHTN Hà Nội cho biết: Nước nhiễm amoni không phải là vấn đề gì quá lo lắng. Thái độ tiếp nhận của người dân nên bình tĩnh, nhận định chính xác. Nếu có nghi ngờ thì giải pháp tự khắc phục cũng rất đơn giản. Dựa vào bản chất chuyển hóa amoni thành nitrat, hãy cho nước sục khí (giống hình thức sục khí thùng cá của những người bán cá ngoài chợ). Làm như vậy sẽ cung cấp oxy nhanh và nhiều, tạo điều kiện chuyển hóa amoni thành nitrat nhanh chóng. Sau đó, loại bỏ hết amoni không chuyển hóa cuối cùng bằng cách cho sục nước khí vào bể chứa, sau 8 tiếng, amoni sẽ không còn.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến các nhà khoa học cho rằng: Thông tin cũng là cảnh báo tốt để sớm thúc đẩy việc đưa nước sông Đà cung cấp thay cho việc khai thác nước ngầm như hiện nay. Nước sông Đà được cho là giải pháp hữu ích loại bỏ nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn nguồn nước của Hà Nội bấy lâu nay như asen, amoni...
Theo Minh Châu
Sức khỏe & Đời sống