1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nước đóng chai “bẩn”, chuyển sang uống nước gì?

Hiện tượng nước đóng chai bị nhiễm khuẩn khiến không ít người trở nên hoang mang và lo lắng một cách thái quá. Vậy, đâu được xem là phương án an toàn?

Không có nước đóng chai tinh khiết

 

Theo thạc sỹ - bác sỹ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng quốc gia, nước tinh khiết chính là nước cất và chỉ có ở trong phòng thí nghiệm - một loại nước dùng để pha thuốc tiêm trực tiếp vào bắp thịt hoặc mạch máu. Nước cất có hai thành phần chính là oxy và hydro. Còn các loại nước uống đóng chai thực chất chỉ là nước đã qua xử lý lọc và khử trùng rồi được đóng chai.

 

Vì sao nước đóng chai bị nhiễm khuẩn?

 

Theo thạc sỹ Hải, khâu tiệt trùng, khử khuẩn vỏ đựng nước vô cùng quan trọng. Nếu khâu này không được xử lý kỹ (dùng lại bình cũ nhưng chỉ súc rửa bình bằng nước xà phòng thông nước, van vòi không được sát trùng…) hoặc nguồn nước dùng để lọc và khử trùng không được đảm bảo thì nước dù đã được tiệt trùng vẫn có thể bị nhiễm khuẩn.

 

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh lao động, sức khoẻ của nhân viên tham gia sản xuất nước đóng chai cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước. Nếu những người này có bệnh, móng tay bẩn, trang phục lao động không hợp vệ sinh thì các vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào nước trong quá trình sản xuất.

 

Nước đun sôi để nguội: An toàn và tiết kiệm

 

Thạc sỹ Hải cho rằng về mặt lý thuyết, nước đã qua xử lý (lọc và khử trùng), tức là nước máy chúng ta dùng hàng ngày, có thể uống ngay mà không cần đun sôi. Ở các nước phát triển, người ta thường uống nước trực tiếp từ vòi. Tuy nhiên như đã nói ở trên, nước đóng bình vẫn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, bên cạnh đó hệ thống ống dẫn nước ở Việt Nam không đảm bảo vệ sinh (cũ, mục, bị rò rỉ ở một số nơi) nên an toàn và tiết kiệm nhất vẫn là dùng nước đun sôi để nguội.

 

Tinh khiết chưa chắc đã tốt

 

Trước tình hình nước đóng chai bị nhiễm khuẩn hiện nay, nhiều người có tâm lý quá cầu toàn hoặc lo lắng thái quá. Có người thậm chí đã hỏi bác sỹ dinh dưỡng là có nên pha sữa cho con bằng nước cất không. "Cơ thể con người rất cần các khoáng chất như: canxi, sắt, kẽm, magiê, mangan… Nếu sợ vi khuẩn mà chỉ uống nước cất thì cũng không tốt vì cơ thể có thể bị thiếu khoáng chất thiết yếu nếu chế độ ăn chưa cung cấp đầy đủ", thạc sỹ Hải nói.

 

Theo thạc sỹ này, trừ phòng thí nghiệm đặc biệt và phòng mổ, trong cuộc sống không có gì là vô trùng. Trong không khí có tới hàng nghìn loại vi khuẩn. Đồ ăn thức uống chúng ta dùng hàng ngày cũng có vô số vi khuẩn hoạt động mà mắt thường không nhìn thấy được. "Vấn đề nằm ở chỗ mọi người cần chú ý ăn chín uống sôi, không dùng thực phẩm ôi thiu để hạn chế sự tấn công của vi khuẩn có hại, qua đó giữ cho hệ vi khuẩn trong cơ thể luôn được cân bằng", bà nhấn mạnh.

 

Dùng nước uống một cách thông minh

 

Nên chọn nước đóng chai của các hãng có uy tín.

 

Thỉnh thoảng dùng nước khoáng để bổ sung khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên nếu có bệnh, cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

 

Nếu dùng nước đun sôi để nguội, nên dùng hết trong vòng 2 - 3 ngày. Bình nước cũng cần được đậy kín để đảm bảo vệ sinh.

 

Thường xuyên vệ sinh bình đựng nước vì đây là bộ phận rất dễ bị cáu bẩn.

 

Theo Thời trang trẻ