Nữ trưởng khoa kể chuyện chứng kiến bệnh nhân chưa tròn 20 tuổi tử vong
(Dân trí) - Quá trình thực hành tại bệnh viện, hình ảnh những người còn rất trẻ phải chạy thận, thậm chí tử vong khi chưa tròn 20 tuổi đã thúc đẩy nữ bác sĩ lựa chọn gắn bó với họ.
Bác sĩ Vũ Lệ Anh, Trưởng khoa Nội Thận, bệnh viện ở TPHCM, cho biết, nhiều năm trước khi còn là sinh viên y khoa, chị có 3 năm học đủ các chuyên khoa của Nội Tổng quát.
Khi thực hành tại khoa Thận, chị có cơ hội tiếp cận hàng loạt các mặt bệnh phong phú, xót xa chứng kiến những người bệnh còn rất trẻ phải chạy thận. Thậm chí, nhiều trường hợp đã tử vong khi chưa tròn 20 tuổi.
Đau đáu trong lòng về mong muốn được thay đổi hậu quả của nhóm bệnh này là bước ngoặt để chị lựa chọn gắn bó với lĩnh vực Thận học.
Đến nay khi đã có gần 20 năm trong nghề y, tiếp cận hàng ngàn ca chạy thận và trường hợp mắc các bệnh lý thận, bác sĩ Lệ Anh vẫn trăn trở về nỗi khổ của người bệnh cũng như gánh nặng của gia đình bệnh nhân.
"Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để người dân được điều trị với chi phí tiết kiệm, vì bệnh thận thường phải can thiệp lâu dài, tốn kém.
Nhất là đối với những trường hợp bị thận mạn, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.
Lúc đầu biết mình mắc bệnh suy thận mãn, hầu hết bệnh nhân đều khó chấp nhận được sự thật. Tôi phải đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu nỗi đau, những chuyển biến tâm lý, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp và nâng cao hiệu quả", bác sĩ Lệ Anh chia sẻ.
Theo nữ bác sĩ, bệnh suy thận hầu như không thể phục hồi. Do đó, bệnh nhân cần cố gắng điều trị, theo dõi sát các triệu chứng để can thiệp, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm (như rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan), ngăn chặn bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối nguy hiểm tính mạng, phải lọc máu.
Thống kê trên toàn thế giới, bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.
Nước ta hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.
Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), bác sĩ Lệ Anh gửi gắm đến các đồng nghiệp nữ, nếu đã chọn học ngành y nói chung và chuyên ngành Thận nói riêng, hãy luôn tìm tòi, suy nghĩ cách giúp đỡ bệnh nhân tốt nhất, để vượt qua trở ngại của giới tính và thấy sự đam mê, thú vị trong công việc của mình.
"Trong công việc chuyên môn, người bệnh là người thầy lớn nhất, giúp chúng tôi cùng học hỏi trên từng trường hợp và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho quá trình làm nghề của mình", nữ bác sĩ chia sẻ.
Nhiều hoạt động chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), nhiều bệnh viện tại TPHCM đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa.
Như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Công đoàn đơn vị đã tổ chức Hội thi trang trí mâm ngũ quả với chủ đề "Tôn vinh Phụ nữ Việt Nam", nhằm tuyên dương và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nữ cán bộ, viên chức đang công tác tại đây.
Công đoàn cơ sở Bệnh viện Da Liễu TPHCM cũng phối hợp cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Nhi đồng 2 tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề "Hướng dẫn chăm sóc da" cho các nữ nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối.
Thông qua chương trình, các chị em nắm được kiến thức chăm sóc da cơ bản, để có được làn da khỏe đẹp, sống trẻ, sống vui. Sau buổi nói chuyện, các nữ nhân viên y tế còn được các đồng nghiệp ở Bệnh viện Da Liễu TPHCM thăm khám miễn phí, tặng quà.