Đà Nẵng:
Nữ bệnh nhân K và hành trình mang niềm vui đến với người đồng bệnh
(Dân trí) - Những ngày nằm trên giường bệnh chống chọi với K phổi, chị Lê Hoàng Ngân thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của những người đồng bệnh. Từ đó, chị thành lập tổ chức kết nối, hỗ trợ những bệnh nhân ung thư.
Cầu nối của những chiến binh K
Đầu năm 2019, chị Lê Hoàng Ngân (sinh năm 1989, giáo viên tiếng Anh trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng) cảm nhận những dấu hiệu bất thường của cơ thể khi thường xuyên chóng mặt, buồn nôn... Thời điểm đó, chị đang mang bầu em bé thứ 2 nên chỉ nghĩ đơn giản đó là biểu hiện ốm nghén.
Đến tháng 2/2019, sức khỏe ngày càng suy giảm, chị mới đi khám, chết lặng khi nhận thông báo mình mắc bệnh ung thư phổi. Thời gian đầu điều trị, chị hầu như chỉ làm bạn với giường bệnh. Khoảng cách giữa các đợt điều trị quá gần khiến chị Ngân rơi vào trầm cảm.
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, bác sĩ điều trị đã tặng cho chị cuốn sách về bệnh nhân ung thư bằng tiếng Anh.
"Bác sĩ nói tôi dành thời gian dịch cuốn sách đó ra tiếng Việt như là một cách để giải tỏa những áp lực, tích lũy cho mình những thông tin về căn bệnh này", chị Ngân nói.
Vừa điều trị bệnh, vừa dịch sách không phải là việc dễ dàng. Chị Ngân ngỏ lời nhờ một số người bạn cùng tham gia dịch để nhanh chóng hoàn thiện cuốn sách, trước hết là để gửi tặng những người đang điều trị ung thư ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng cùng chị.
Là một bệnh nhân, chị Ngân hiểu những khó khăn của những người đồng bệnh khi tiếp cận những thông tin chính xác, khoa học về căn bệnh này. Sau khi hoàn thành cuốn sách đầu tiên, được bác sĩ điều trị hỗ trợ hiệu đính trước khi chuyển cho mọi người, trong đầu chị nhen lên suy nghĩ: Tại sao chỉ dừng lại ở một cuốn sách mà không phải là nhiều hơn.
"Đó là lý do thôi thúc tôi thành lập WE CAN - một tổ chức riêng dành cho các bệnh nhân ung thư và kêu gọi sự đồng hành của các bạn trẻ trong việc dịch thuật các quyển sách, cẩm nang về ung thư; tổ chức các dự án hỗ trợ bệnh nhân và người nhà trong quá trình điều trị", chị Ngân nói.
Tháng 4/2020, WE CAN chính thức thành lập với sứ mệnh hỗ trợ những bệnh nhân ung thư. "Với WE CAN, tôi mong muốn mỗi dự án, mỗi hoạt động cộng đồng được tổ chức đều thiết thực và giải quyết những lo lắng, trăn trở của bệnh nhân ung thư", chị Ngân bày tỏ.
Từ dự án sách nhỏ đó, WE CAN dần dần lan tỏa trong cộng đồng những bệnh nhân ung thư ở Đà Nẵng với những buổi talkshow, chia sẻ với các chiến binh K, những dự án dành cho nữ bệnh nhân ung thư và cả người nhà bệnh nhân.
Theo chị Ngân, để lan tỏa WE CAN đến với cộng đồng là sự giúp sức của rất nhiều người, từ các bác sĩ tại Khoa Ung bướu - Bệnh viện Đà Nẵng, sự ủng hộ của các bệnh nhân cùng điều trị, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên… Tất cả đặt những viên gạch nhỏ để xây nên một cộng đồng WE CAN hiện tại.
Hiện tại, tổ chức có 25 tình nguyện viên, với 7 thành viên trong ban điều hành. Đa số các bạn tình nguyện viên đều ở Đà Nẵng, nhưng cũng có bạn học ở TPHCM, có bạn đang đi du học ở nước ngoài, cũng có bạn cũng đã ra trường đi làm rồi nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ.
"Cùng nhau, chúng ta có thể"
Từ đó đến nay, WE CAN duy trì dự án "Chúng ta cần biết" để biên dịch các cuốn sách uy tín về bệnh ung thư để chia sẻ cho cộng đồng.
Ngoài ra, với mong muốn xoa dịu những "vết thương" trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nữ, WE CAN tổ chức chuỗi hoạt động "Chúng ta tỏa sáng" để giúp các bệnh nhân khắc phục những tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị, gặp gỡ, chia sẻ, kết nối những người đồng bệnh.
Tại mỗi buổi workshop, các bệnh nhân sẽ được kết nối, chia sẻ về quá trình điều trị, những khó khăn, chướng ngại tâm lý đã gặp phải. Sau đó, họ được các chuyên viên trang điểm hướng dẫn cách làm đẹp, chăm sóc da, trang điểm... và nhận được những phần quà như kem nền, son môi...
"Mới đây, khi mang chương trình đến với TPHCM, tôi thực sự xúc động khi đến lúc chương trình kết thúc nhưng các chị vẫn không muốn về, vẫn tiếp tục tâm sự, trò chuyện, chia sẻ cách thức liên lạc để tiếp tục kết nối với nhau. Tôi rất tự hào khi WE CAN trở thành cầu nối giữa những người đồng bệnh", chị Ngân kể.
Ngoài ra, WE CAN cũng tạo cơ hội để những chiến binh K thể hiện tài năng thông qua đêm nhạc gây quỹ "Chúng ta hát ca" tổ chức đầu năm 2021. Qua đó, tổ chức cũng gây quỹ học bổng "Cùng em dệt ước mơ" nhằm hỗ trợ cho con em của các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là dự án quan trọng nhất mà WE CAN theo đuổi với mong muốn những con em của các bệnh nhân ung thư không phải bỏ dở con đường học tập vì gánh nặng tài chính.
"Quá trình điều trị, tôi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn của các gia đình khi bố mẹ đang chật vật chống chọi với ung thư mà con cái vẫn đang tuổi ăn học. Quỹ học bổng sẽ đồng hành với các em trong học tập, nâng bước tương lai và nuôi dưỡng tài năng. Biết đâu sau này, chính các em khi thành công có thể quay trở lại giúp đỡ những bạn nhỏ có hoàn cảnh giống mình", chị Ngân chia sẻ.
Học bổng "Cùng em dệt ước mơ" sẽ hỗ trợ con em của bệnh nhân ung thư trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi với trị giá 12 triệu đồng/năm học. Đến nay, đã có 19 em đến từ Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... được trao học bổng. Trong năm 2022, WECAN dự kiến sẽ đồng hành cùng 30 em có hoàn cảnh khó khăn và nghị lực trong cuộc sống.
"Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với WE CAN để xoa dịu nỗi đau của những người đồng bệnh đến khi nào còn có thể. Điều tiếc nuối duy nhất của tôi là tại sao mình lại không cống hiến, phụng sự cho cộng đồng sớm hơn", chị Ngân bộc bạch.
Trong một lần chị Ngân tổ chức biểu diễn ca nhạc chào mừng Xuân 2021, bà Hồ Bích Trâm (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) đã đăng ký tham gia tập luyện văn nghệ và biểu diễn tại chương trình. Từ đó, bà Trâm hầu như không vắng mặt trong các chương trình do WE CAN tổ chức.
"Khi tham gia vào WE CAN, mọi người dễ thông cảm, thấu hiểu nhau hơn vì ai cũng bị bệnh. Ngoài ra, khi tham gia các chương trình của WE CAN, bản thân tôi cảm thấy luôn vui vẻ, thoải mái nên cũng giúp bệnh tình cũng được cải thiện", bà Trâm cho hay.