1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nữ bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân cấp cứu ngoại viện

(Dân trí) - Công việc của một bác sĩ cấp cứu 115 quá vất vả và chiếm hết thời gian của một người phụ nữ nhưng bác sĩ Thủy vẫn muốn trở lại gắn bó với nơi này chỉ vì những bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy (sinh 1981) hiện đang công tác tại Trung tâm cứu cấp 115 Đà Nẵng, là một trong những bác sĩ vừa được UBND TP Đà Nẵng thưởng nóng vì đã có những đóng góp cho công tác phòng chống dịch virus corona.

Áp lực nhưng vẫn quay về với bệnh nhân

Chuyển công tác từ Khánh Hòa ra Đà Nẵng vào năm 2015, bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy chọn Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng làm nơi đầu quân. Tuy nhiên, công việc của một bác sĩ cấp cứu ngoại viện quá vất vả, áp lực, chiếm hết thời gian của một người phụ nữ. Vì thế, sau thời gian công tác tại đây chị đã xin chuyển đến công tác tại Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn.

Thế nhưng, chính thời gian làm việc tại bệnh viện, nữ bác sĩ nhận thấy rằng cấp cứu ngoại viện rất quan trọng đối với các bệnh nhân. Đó là lý do khiến bác sĩ Thủy quay trở lại với Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng để tiếp tục gắn bó với nơi này.

Nữ bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân cấp cứu ngoại viện - 1

Bác sĩ Thủy tư vấn y tế cho một bệnh nhân

Theo chia sẻ của bác sĩ Thủy, công việc của một bác sĩ cấp cứu 115 hầu như lúc nào cũng vất vả nhưng vất vả nhất là vào những dịp lễ, Tết, dịch bệnh.

Mấy năm gắn bó với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, chị không nhớ nổi mình đã cùng ca trực tư vấn cũng như sơ cứu và vận chuyển bao nhiêu bệnh nhân. Hầu như, Tết năm nào chị cũng phải trực và chưa năm nào chị được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Trong công việc, những nữ bác sĩ cấp cứu 115 thường gặp nhiều khó khăn hơn bác sĩ nam. Đó là những lúc đi vào ban đêm, gặp đường ngõ hẻm xe không thể vào trong hay là gặp những trường hợp ngáo đá…

Hoặc là khi cấp cứu những trường hợp bị tai nạn giao thông mà phải những người vững tâm và làm miết mới có thể quen được.

Chị nhớ, lần đầu tiên chị tham gia cấp cứu đó là một vụ tai nạn giao thông. Khi chứng kiến người phụ nữ đã tử vong dưới bánh xe tải, đêm đó về nhà chị không sao ngủ được.

Chị Thủy cũng cho biết, dù vất vả, áp lực nhưng nghề bác sĩ cấp cứu ngoại viện cũng mang lại cho chị nhiều niềm vui. Đó là khi những bệnh nhân được cứu sống nhờ sơ cấp cứu kịp thời hay những lần phải làm bác sĩ đỡ đẻ bất đắc dĩ.

“Có lần Trung tâm nhận được điện thoại của một sản phụ ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết bị đau bụng. Do họ không đi khám thai nên không biết ngày dự sinh. Khi chúng tôi đến nhà thì cháu bé đã lòi đầu ra ngoài. Tôi phải trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ tại nhà luôn, cắt rốn cho em bé và chuyển hai mẹ con đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi”, bác sĩ Thủy kể lại và cho biết rất vui khi mẹ tròn con vuông.

Dốc lực phòng dịch virus corona

Có lẽ, Tết năm nay là cái Tết vất vả nhất và đáng nhớ nhất với bác sĩ Thủy từ trước đến nay. Ngoài những ca cấp cứu ngày Tết như mọi năm, năm nay bác sĩ Thủy và các đồng nghiệp của mình còn phải nhận nhiệm vụ tư vấn, sàng lọc những ca nghi nhiễm, vận chuyển đến các bệnh viện được chọn thu dung điều trị. Vì thế cường độ làm việc rất căng thẳng.

“Khi có vấn đề về sức khỏe, người dân họ sẽ gọi điện cho Trung tâm hoặc các khách sạn thông báo khi du khách có những yếu tố dịch tễ. Sau khi sàng lọc, những trường hợp nghi nhiễm sẽ được Trung tâm vận chuyển đến bệnh viện để cách ly theo dõi”, bác sĩ Thủy cho biết.

Nữ bác sĩ nặng lòng với những bệnh nhân cấp cứu ngoại viện - 2

Bác sĩ Thủy chuẩn bị  dụng cụ y tế, thuốc men sẵn sàng cho những chuyến xe cấp cứu

Theo bác sĩ Thủy, những ngày này cô phải nói điện thoại liên tục để tư vấn cho người dân và số bệnh nhân cần vận chuyển cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, dù vất vả thế nào, cứ đến phiên trực của mình là chị cũng các đồng nghiệp lại “guồng quay” công việc chứ không ai nề hà gì.

Từ lúc có dịch, chị phải gửi hai đứa con cho ông bà trông coi, phần lớn thời gian chị dành cho công việc chống dịch.

“Trong trường hợp có ca dương tính với virus corona, mình phải tự cách ly, xa gia đình trong 14 ngày nên mọi thứ đều đã được chuẩn bị sẵn sàng”, bác sĩ Thủy tâm sự.

Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết, đặc thù của bác sĩ cấp cứu 115 là độc lập tác chiến, không có phương tiện cận lâm sàng mà phải biết được triệu chứng để xử lý ban đầu. Các bác sĩ ở đây cũng chịu nhiều áp lực và rủi ro cao hơn so với những bác sĩ làm trong bệnh viện. Vì thế, thông thường, chỉ sau một thời gian làm việc, bác sĩ cấp cứu 115 xin chuyển vào bệnh viện khi tuổi lớn. Thế nhưng, để xin được vào bệnh viện cũng rất là hạn hữu. Cho nên, nhiều bác sĩ không muốn đầu quân về Trung tâm cấp cứu. Phải là người tâm huyết lắm mới gắn bó với nơi này.

“5 năm qua, Trung tâm không tuyển được bác sĩ mà phải lấy nguồn tại chỗ đi đào tạo” bác sĩ Thông.

Nhận xét về bác sĩ Thủy, bác sĩ Thông cho biết đó là bác sĩ tích cực, xông xáo, có trách nhiệm với nghề nghiệp, tận tâm với bệnh nhân và đáp ứng được bác sĩ trưởng của phiên trực.

Khánh Hồng