Nghệ An:
Người bác sĩ tận tình, gần gũi với dân nghèo
(Dân trí) - Ở tuổi 62, Bác sĩ Cao Xuân Vịnh hàng ngày vẫn mải miết khám bệnh cắt thuốc cho người dân. Hơn 40 năm trong nghề ông quan niệm: “Đã làm nghề y là phải học suốt đời để trị bệnh cứu người”.
Khi nhắc đến Bác sĩ Cao Xuân Vịnh (1958) ở xã miền núi Quang Thành, huyện Yên Thành thì ai ai cũng nể phục bở tấm lòng cao cả của ông.
Sau khi rời ghế nhà trường với ước mơ trở thành một người thầy thuốc để chữa bệnh cho người dân. Năm 1979, sau khi học xong Bác sĩ Vịnh làm công việc về Y tá tại Trạm Y tế xã Quang Thành, huyện Yên Thành.
Bác sĩ Vịnh cho biết, thời gian đầu mới nhận công tác, ông chưa quen với môi trường làm việc do kiến thức không hoàn toàn như thực tế va chạm nhiều với bệnh nhân, nhiều tình huống bệnh… Do đó, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, liên tục và trau dồi kiến thức, học hỏi đồng nghiệp, đi học nâng cao trình độ chuyên môn.
Để nâng cao kiến thức, năm 1998 ông đã đi học lớp chuyên khoa Đông y. Từ năm 1991 đến 2015 với cương vị là trạm trưởng Y tế xã trải qua thời gian dài công tác nhưng với ông, dù ở cương vị nào, là thầy thuốc, việc xác định phương châm: “Lương y như từ mẫu”, ân cần thăm hỏi, quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Cũng vì lẽ đó, ông luôn được đồng nghiệp và mọi người tin yêu.
Theo bác sĩ Vịnh, điều quan trọng là bản thân phải cố gắng, nỗ lực trong nhiệm vụ, rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, ứng xử, thái độ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân... Bác sĩ Vịnh quan niệm rằng, người bệnh luôn mong muốn được chữa hết bệnh. Bệnh nhân không chỉ đau về thể xác mà còn đau về tinh thần. Do đó, nhiệm vụ của bác sĩ không chỉ chữa bệnh, mà còn giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng tinh thần. Người bệnh nhanh khỏe thì bác sĩ mới hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Tuấn trú ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành kể lại: “Vào năm 2008, con trai anh mới 1 tuổi bị sốt rất cao nhưng uống thuốc hạ nhiệt không khỏi. Tình trạng của cháu ngày càng nặng hơn vì nhà xa bệnh viện nên khi đó vợ chồng anh đã bế con ra trạm Y tế gặp bác sĩ Vịnh. Với kinh nghiệm của mình, ông đã lấy chiếc khăn lớn rồi nhúng vào nước ấm tủ đều trên cơ thể cháu bé. Sau đó lấy kim chích 5 đầu ngón tay để huyết lưu thông… Sau một thời gian con tôi hạ nhiệt và khỏe lại”. “Nếu hôm đó Bác sĩ Vịnh không kịp thời thì con tôi sẽ không biết như thế nào nữa”, anh Tuấn bàng hoàng nhớ lại.
Chia sẻ những kỷ niệm gắn với nghề, Bác sĩ Vịnh nhớ lại: “Vào năm 1984, đêm hôm đó tôi là người trực cơ quan một mình. Nửa đêm đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa của dân đưa người đi sinh. Sau khi thăm khám xong, người phụ nữ hạ sinh một cháu trai nhưng rơi vào tình trạng băng huyết nên mất máu rất nhiều. Khi đó ở đây trang bị y tế thì lạc hậu, không có điện nên dùng bằng ánh sáng đèn dầu. Lúc đó tôi rất lo vì chị ấy bị hôn mê, nguy cấp nhưng sau khi lấy lại can đảm tôi đã cố gắng mọi cách để chữa trị cho chị ấy qua cơn nguy kịch”.
“Hơn 40 năm trong nghề, tôi đã trực tiếp thăm khám và chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân. Tình trạng bệnh từ nhẹ đến nặng tôi đã tiếp xúc cả và nhưng với tôi công lao của mình là để người dân ghi nhận”, Bác sĩ Vịnh chia sẻ.
Ghi nhận những cống hiến của Bác sĩ Cao Xuân Vịnh, ông Phan Trọng Thông, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành cho biết: “ Bác sĩ Vịnh xứng đáng là tấm gương của người làm lương y. Trong ông sợi dây của cái nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và trên hết là trái tim nhân ái đã liên kết và gắn bó suốt cuộc đời của mình”.
Nguyễn Tú