Nốt ruồi hay ung thư: Những đặc điểm này sẽ giúp phân biệt

Minh Nhật

(Dân trí) - Các bớt sắc tố, thậm chí là các nốt ruồi cũng có thể biến thành ác tính. Người bệnh cần được thăm khám để xử lý kịp thời.

Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, nếu da nhợt nhạt hoặc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không sử dụng kem chống nắng, đã đến lúc bạn cần phải đi kiểm tra ung thư.

Bác sĩ sẽ tìm ra dấu hiệu làn da có bị ung thư hay có nguy cơ mắc bệnh hay không. Đây là một điều rất quan trọng vì ung thư da là loại ung thư phổ biến, nhưng cũng là một trong những loại dễ điều trị nhất nếu điều trị sớm. Tuy nhiên nhiều người đang lầm tưởng ung thư da với nốt ruồi.

Trước khi đi gặp bác sĩ, bạn hãy kiểm tra xem da có những dấu hiệu khác thường không. Cần kiểm tra toàn diện, bao gồm da đầu, da sau cánh tay và dưới cánh tay. Đối với những vùng khó tiếp cận, bạn có thể dùng tấm gương. Chúng ta cũng cần lưu ý những thay đổi ở nốt ruồi như:

- Xuất hiện những nốt ruồi mới.

- Kích thước lớn dần theo thời gian.

- Ngứa.

- Chảy máu.

Nốt ruồi hay ung thư: Những đặc điểm này sẽ giúp phân biệt - 1

Trong quá trình sàng lọc ung thư da, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu ung thư bằng quy tắc ABCDE:

A — Asymmetry (Không cân đối): Một nốt ruồi mà khi chia đôi, hai phần nốt ruồi không giống nhau.

B — Border (Đường viền): nốt ruồi có đường viền mờ, không rõ nét hoặc lởm chởm như răng cưa.

C — Color (Màu sắc): những thay đổi ở nốt ruồi như màu sắc đậm hơn, mất màu hay xuất hiện màu đỏ, xanh, trắng, hồng, tím hoặc xám.

D — Diameter (Đường kính): nốt ruồi có đường kính lớn hơn 6mm.

E — Evolving (Độ lồi): nốt ruồi lồi trên da và có bề mặt không đều.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư da

Phơi nắng là nguyên nhân lớn nhất gây ung thư da. Tuy nhiên, ung thư da còn xảy ra ở những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do đó, một số nguyên nhân khác như do tiếp xúc với môi trường độc hại, tiếp xúc với bức xạ, hoặc do di truyền cũng có thể là yếu tố gây ra ung thư da. Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị ung thư da nhưng nguy cơ mắc ung thư da cao hơn ở những người có:

- Làn da sáng hoặc đôi mắt sáng màu.

- Có nhiều nốt ruồi lớn và hình dạng không đều trên cơ thể.

- Tiền sử gia đình bị ung thư da.

- Có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều hoặc bị cháy nắng.

- Sống ở những vùng cao và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quanh năm.

- Đã được điều trị bức xạ.

Các biện pháp giảm nguy cơ mắc ung thư da

Hạn chế tiếp xúc với các tia cực tím của mặt trời, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều, khi các tia nắng mặt trời mạnh nhất. Khi ở ngoài trời, hãy thoa kem chống nắng phổ rộng với SPF từ 30 trở lên (bôi cả môi và tai), đội mũ, đeo kính râm, và mặc quần áo chống nắng. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi trên làn da như sự phát triển mới, sự xuất hiện của nốt ruồi hoặc vết loét không lành, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm