1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nói “thật” nhất về sức khỏe sinh sản với người nhập cư

(Dân trí) - Mỗi năm, có khoảng 40.000 người dân Việt Nam sống ở nông thôn tìm đến những đô thị lớn để tìm việc làm, trong đó, 80% nằm trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên đa số họ đều rất thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục.

Bà Nguyễn Bích Hằng, trưởng đại diện tổ chức Marie Stopes Internationer tại Việt Nam - cơ quan thực hiện dự án “Phát triển có sự tham gia của cộng đồng nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản và tình dục của nhóm lao động nhập cư tại Hà Nội” (Photovoice) cho biết, trong bối cảnh người nhập cư rất mù mờ về sức khoẻ sinh sản (SKSS), sức khoẻ tình dục (SKTD)… thì việc cung cấp những dịch vụ và thông tin hữu ích nhằm giúp họ phòng ngừa bệnh tật, có sức khoẻ tốt hơn để lao động nuôi sống gia đình là điều cần thiết.

 

Với ý tưởng đưa đến những thông tin “thật” nhất, có tính giáo dục cao đối với người nhập cư về các vấn đề liên quan đến SKSS và SKTD, Phtovoice sẽ lựa chọn, đào tạo về nhiếp ảnh và hướng dẫn một số thanh niên nhập cư để họ ghi nhận các hình ảnh nghệ thuật liên quan đến vấn đề SKTD và SKSS của chính họ.

 

Chương trình Photovoice được thực hiện trong thời gian 12 tháng nhằm nghiên cứu sự hiểu biết và cảm nhận của người nhập cư về các vấn đề SKSS và SKTD thông qua việc sử dụng hình ảnh hiện thực của cuộc sống để thúc đẩy các hình thức chia sẻ thông tin cho hiệu quả.

 

Photovoice còn đem tới cho những người nhập cư cơ hội trực tiếp nhận biết và bộc lộ những nhu cầu về SKSS của mình.

 

Chương trình được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới, Ngân hàng tái thiết quốc tế và Hiệp hội phát triển quốc tế Việt Nam.

“Chúng tôi muốn góp phần làm tăng khả năng nhận thức và hiểu biết, từ đó cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản và tình dục của nhóm lao động nhập cư tại Hà Nội” - bà Nguyễn Bích Hằng cho biết. Thông qua dự án này, cộng đồng người nhập cư sẽ có những thay đổi tích cực về thái độ và hành vi của họ đối với việc phòng tránh thai và thực hành tình dục an toàn.

 

Trên thực tế, do kiến thức về SKSS còn kém nên nhiều người nhập cư đã không biết tự bảo vệ mình và gia đình, họ đã mang nguồn bệnh về gia đình ở quê, tạo khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.

 

Với địa bàn hoạt động là thành phố Hà Nội, chương trình sẽ tuyển dụng khoảng 20 thanh niên đại diện cho người nhập cư đang làm việc tại Hà Nội, trang bị máy ảnh và tổ chức đào tạo nhiếp ảnh, tập huấn giới thiệu những vấn đề cơ bản về SKSS, HIV/AIDS…  

 

Chương trình cũng phối hợp với Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật đồng thời tổ chức các cuộc triển lãm ảnh, công bố kết quả bình chọn ảnh và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc tuyên truyền SKSS, SKTD đến với cộng đồng người nhập cư.     

 

Nguyên Đức