Nổi mày đay: Nguyên nhân và cách chữa?

(Dân trí) - Mày đay (mề đay) là một dạng phát ban gây ngứa trên da rất phổ biến, gặp rất nhiều trong mùa đông.

Theo Hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ, mày đay ảnh hưởng đến khoảng 20% ​​số người tại một thời điểm nào đó trong đời. Chúng là những tổn thường màu đỏ, nổi gồ trên da, ở giữa có màu trắng. Nố mày đay có nhiều kích cỡ khác nhau, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể và rất ngứa. Chúng không lây và có xu hướng xuất hiện và tự hết. Trong một số ít trường hợp, chúng có thể tồn tại trong nhiều năm.

Nổi mày đay: Nguyên nhân và cách chữa? - 1

Mày đay xảy ra khi histamin, một chất hóa học trong cơ thể, được giải phóng dưới da từ các tế bào gọi là tế bào mast. Histamin làm cho các mạch máu giãn ra và rò rỉ chất dịch, dẫn đến sưng trên da. Chính sự sưng tấy này tạo thành những nốt mày đay mà bạn nhìn thấy trên bề mặt da.

Mày đay được phân loại theo thời gian bị. Mày đay cấp kéo dài dưới 6 tuần, trong khi mày đay mạn tính kéo dài hơn 6 tuần. Các nguyên nhân gây ra mày đay cấp thường khác với nguyên nhân gặp trong mày đay mạn tính.

Các nguyên nhân gây mày đay

Có những nguyên nhân chính nào gây mày đay cấp tính? Bạn có thể bị nổi mày đay do phản ứng dị ứng với thực phẩm, thuốc và vết đốt côn trùng. Có thể bị nổi mày đay do phản ứng với xà phòng và chất tẩy rửa, vết tì đè trên da do thắt lưng hoặc dây áo ngực, nóng, lạnh, gắng sức hoặc stress. Một số người bị sưng không ngứa ở những chỗ gãi hoặc chà xát. Tình trạng này được gọi là hằn da vẽ nối (dermatographism) và thường đi kèm với các loại mày đay khác.

Phấn hoa, mạt bụi và gàu từ da lông động vật, có thể kích hoạt dị ứng mũi và hen, cũng có thể kích hoạt mày đay. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể bị nổi mày đay do nhiễm virus và vi khuẩn. Mày đay cũng có thể là triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ, một phản ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng đòi hỏi phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Vì vậy, nếu bị nổi mày đay nghiêm trọng và bắt đầu gặp các vấn đề khác như sưng, khó thở, thở khò khè, nôn, tiêu chảy hoặc cảm thấy ngất xỉu, hãy gọi cấp cứu và đến phòng cấp cứu gần nhất.

Mày đay có thể là dấu hiệu của các rối loạn mãn tính tiềm ẩn như bệnh lupus và bệnh tuyến giáp. Như bạn có thể thấy, có rất nhiều khả năng có thể dẫn đến nổi mày đay.

Nguyên nhân của phát ban mãn tính còn chưa được hiểu rõ. Tin tốt là hầu hết những người bị mày đay không bị mãn tính. Chưa đến 1% số người bị mày đay cấp tính tiến triển thành mãn tính. Thật không may, đa phần các trường hợp không tìm được nguyên nhân gây ra mày đay mãn tính. Chúng ta thường gọi đây là bệnh mày đay vô căn hoặc mày đay tự phát mãn tính hoặc mãn tính. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và gặp nhiều hơn ở những người từ 20 đến 40 tuổi. Người ta cho rằng họ có thể bị tình trạng tự miễn dịch hoặc hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức dẫn đến vấn đề. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp mày đay mãn tính có nguyên nhân vật lý như nóng, lạnh hoặc tì đè. Điều quan trọng cần biết là dị ứng không gây ra loại mày đay này.

Nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân gây ra mày đay, bác sĩ dị ứng sẽ khai thác về tiền sử và tiến hành một số khám xét liên quan đến những khả năng được đề cập ở trên. Nếu kết quả gợi ý một nguyên nhân hoặc căn bệnh tiềm ẩn nào đó, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cụ thể. Ví dụ, nếu tiền sử chỉ ra dị ứng thực phẩm, thì xét nghiệm dị ứng với thực phẩm sẽ là phù hợp.

Điều trị mày đay

Điều trị mày đay cấp bao gồm tránh hoặc loại bỏ các tác nhân kích hoạt và sử dụng một nhóm thuốc nhất định được gọi là "thuốc kháng histamin thế hệ hai", bao gồm cetirizine (Zyrtec), fexofenadine (Allegra) và loratadine (Claritin). Các thuốc này được sử dụng để kiểm soát mày đay và ngứa cho đến khi vấn đề được giải quyết. Một nhóm thuốc khác được gọi là "thuốc kháng histamin thế hệ một ", bao gồm diphenhydramine (Benadryl) cũng có thể làm giảm mày đay. Thuốc có thể có tác dụng phụ như khô miệng và buồn ngủ, và cần dùng nhiều lần hơn so với thế hệ hai. Do đó các thuốc này hiện không được khuyến khích. Đôi khi một "thuốc kháng histamin H2" như famotidine (Pepcid) hoặc ranitidine (Zantac) - thường được sử dụng cho bệnh trào ngược dạ dày - được bổ sung để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Đối với mày đay mãn tính, thường sẽ cần thử dùng thuốc kháng histamin thế hệ hai và thuốc kháng histamin H2 với liều cao hơn so với khi điều trị mày đay cấp. Trong trường hợp mày đay mãn tính nghiêm trọng, có thể cần một liệu trình corticoid toàn thân ngắn để giảm nhanh các triệu chứng, nhưng tuyệt đối không nên sử dụng lâu dài do nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Một thuốc sinh học gọi là omalizumab đã được chứng minh là rất hiệu quả trong điều trị bệnh nhân bị mày đay mãn tính không đáp ứng với điều trị thường quy. Omalizumab được dùng ở dạng tiêm bốn tuần một lần, với hầu hết bệnh nhân hoàn toàn khỏi mày đay mãn tính.

Nếu bạn đang bị nổi mày đay, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguyên nhân và làm giảm khó chịu do phát ban gây ngứa này.

Cẩm Tú

Theo US News