Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19

(Dân trí) - “Nhiều cơ sở y tế trên khắp Nhật Bản đang thiếu hụt bác sĩ trầm trọng, trong khi một số mắc Covid-19, số khác lại phải cách ly vì vô tình tiếp xúc với người nhiễm bệnh", một bác sĩ người Nhật chia sẻ.

Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19 - 1

Mới vài tuần trở lại đây, Covid-19 tưởng đã được kiểm soát lại bùng phát mạnh mẽ ở Nhật Bản. Theo số liệu của Đại học John Hopkins, đến 20/4, Nhật Bản đã có 10.797 ca bệnh, với 236 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, vào ngày 1/3, số ca mắc Covid-19 ở nước này chỉ là 243 người.

Ayako Kajiwara là điều dưỡng trưởng của một bệnh viện tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. Trong giai đoạn Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại xứ sở hoa anh đào, gần như không ngày nào, “người lính” trên tuyến đầu chống dịch này không ám ảnh về cảnh quá tải trong đơn vị hồi sức tích cực, nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, đang trong tình trạng nguy kịch.

“Tình trạng hiện tại rất khó khăn. Khi chúng tôi cứ ngỡ tình trạng bệnh nhân đang cải thiện thì bất ngờ họ lại gặp vấn đề, rồi trở nặng hơn” – Điều dưỡng Ayako cho biết.

Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19 - 2

Mới đây, một nhóm cố vấn cao cấp của Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo rằng, 400.000 người có thể sẽ chết vì Covid-19, nếu các biện pháp mạnh tay như cách ly xã hội không được thực thi tại đất nước này. Cũng theo phân tích của nhóm chuyên gia, hầu hết các ca tử vong sẽ xuất phát từ tình trạng thiếu máy thở.

Thiếu hụt vật tư y tế đang là một vấn đề đáng quan ngại tại đất nước Mặt trời mọc. Thậm chí, vừa qua thị trưởng thành phố Osaka là Ichiro Matsui đã phải vận động mọi người ủng hộ áo mưa không dùng đến, để các nhân viên y tế có thể dùng làm phương tiện phòng hộ cá nhân, sau sự việc nhiều y, bác sĩ đã phải mang các túi đựng rác để tự bảo vệ mình.

Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19 - 3

Không chỉ trong cộng đồng, các ổ dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện ngay trong môi trường bệnh viện. Điển hình là vào ngày 12/4, đã có 87 trường hợp y, bác sĩ và bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện quận Nakano, thủ đô Tokyo được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Sự gia tăng hiện tượng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh là một tín hiệu đáng báo động, khi nó đe dọa trực tiếp đến lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

“Các giải pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 không đáp ứng đủ tình hình thực tế đã đóng góp vào việc Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng cũng như các cơ sở y tế. Các nhân viên y tế không có được sự chuẩn bị cần thiết, bởi họ không thể biết được bệnh nhân mình đang chăm sóc có mang mầm bệnh hay không” – TS Kenji Shibuya, Giám đốc Viện nghiên cứu Y tế Công cộng, Đại học King, Luân Đôn nhận định.

Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19 - 4

Theo ước tính, Nhật Bản mới chỉ tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 90.000 người/dân số 126 triệu người. So với Hàn Quốc, con số này là rất thấp, khi xứ sở kim chi đã xét nghiệm 513.000 người/ dân số 51 triệu người. Nguyên nhân của sự chênh lệch này phần lớn đến từ chính sách chống dịch khác nhau của 2 quốc gia.

Sho Hayakawa, một nhân viên y tế tại thành phố Yokohama, đã tận mắt chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của các bệnh nhân Covid-19, tại bệnh viện mà mình đang làm việc, trong vài tuần trở lại đây. Là một người bố, Sho Hayakawa không khỏi băn khoăn về rủi ro mình có thể mang virus SARS-CoV-2 về nhà và lây nhiễm cho vợ con: “Dù luôn cẩn trọng hết mức, nhưng tôi vẫn thực sự rất quan ngại về những tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân và cả chính đồng nghiệp của mình”.

2 thành phố lớn, cũng là điểm nóng Covid-19 của Nhật Bản là Tokyo và Osaka đã bắt đầu chuyển những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ sang các khách sạn để chăm sóc, nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế. Và Sho Hayakawa cũng mong muốn giải pháp này sẽ được áp dụng tại Yokohama.

Nỗi lo của các nhân viên y tế Nhật Bản trước cơn bão Covid-19 - 5

“Nhiều cơ sở y tế trên khắp Nhật Bản đang thiếu hụt bác sĩ trầm trọng, trong khi một số mắc Covid-19, số khác lại phải cách ly vì vô tình tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Hiện tại, các bác sĩ như chúng tôi đang phải cùng lúc làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau để bù đắp vào khoảng trống quá lớn này” – Bác sĩ gây mê Mio Shin, người đang phải kiêm luôn công việc của đồng nghiệp bị cách ly, chia sẻ.

Cũng theo nhận định của bác sĩ này, cần thêm nhiều nhân viên y tế nữa để chăm sóc và điều trị cho lượng bệnh nhân Covid-19 khổng lồ như hiện tại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải giảm bớt nguồn nhân lực đang phục vụ cho các loại bệnh khác.

Minh Nhật

Theo 7News, The Japan Times