1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không?

(Dân trí) - Sau khi đến những nơi đông người như siêu thị, quầy tạp hóa, hiệu thuốc, liệu virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hay không?

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 1

Sau khi đến những nơi đông người như siêu thị, quầy tạp hóa, hiệu thuốc, liệu virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hay không? Đây là thắc mắc chung của không ít người, bởi đã nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt nhiều giờ đồng hồ, và chúng ta hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh nếu vô tình chạm tay vào các bề mặt chứa mầm bệnh này sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

Theo các chuyên gia, sau khi đến những khu vực có nguy cơ cao, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn là việc cần thiết. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không cần phải thay áo quần vì băn khoăn vừa được đề cập ở trên.

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 2

TS Linsey Marr, chuyên gia về khí dung, nhận định: “Khi người mắc Covid-19 ho hoặc hắt hơi, hầu hết các giọt bắn sẽ rơi xuống đất trong phạm vi 2 mét. Tuy nhiên, vẫn có các giọt dịch hô hấp nhỏ hơn, được gọi là khí dung có thể lơ lửng trong không khí lên đến 30 phút. Tuy nhiên, chúng hầu như sẽ không bám vào áo quần của bạn. Những giọt dịch này rất nhỏ và nhẹ. Vì vậy, theo nguyên tắc khí động lực học, chúng sẽ lơ lửng trong bầu không khí xung quanh người, thay vì bám chặt vào áo quần”.

Phân tích rõ hơn về khí động lực học trong trường hợp này, theo TS Marr, tại các cửa hiệu, chúng ta thường di chuyển chậm, trong quá trình di chuyển sẽ đẩy không khí phía trước dạt ra 2 bên, rồi trôi về phía sau, khí dung lơ lửng trong không khí lúc này cũng sẽ di chuyển theo cách tương tự, thay vì đập vào áo quần. Chỉ trong trường hợp những giọt dịch hô hấp lớn bắn trực tiếp vào người chúng ta, khi ai đó trò chuyện, hắt hơi hoặc ho ở khoảng cách gần, thì chúng mới có thể bám vào áo quần. “Khi có ai đó hắt hơi, ho vào người ở khoảng cách gần thì việc thay áo quần và tắm rửa sau khi về nhà là điều cần thiết” - TS Marr nhấn mạnh.

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 3

Như những gì đã đề cập ở trên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc tóc có thể là bề mặt để virus SARS-CoV-2 bám vào. Thậm chí, trong trường hợp có ai đó hắt hơi phía sau đầu của bạn, các giọt bắn lớn có thể đáp xuống tóc hầu hết cũng sẽ không trở thành nguồn lây nhiễm.

TS Andrew Janowski, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington, phân tích: “Sẽ là cả một quá trình dài để virus từ người mắc Covid-19 có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua con đường này. Trước hết, người hắt hơi phải có một tải lượng virus nhất định bên trong giọt dịch hô hấp được bắn ra; kế đó, phải có một số lượng đáng kể giọt bắn bám vào tóc. Trong trường hợp bạn chạm vào tóc của mình sau cú hắt hơi này, thì tải lượng virus trong các giọt dịch bám trên đó đã giảm đi đáng kể. Cần nhớ rằng, tải lượng virus phải đạt một ngưỡng nhất định thì mới có khả năng xâm nhiễm và gây bệnh cho cơ thể. Do đó, chỉ khi cả chu trình ở trên được diễn ra theo đúng kịch bản thì chúng ta mới có nguy cơ bị lây nhiễm, đồng nghĩa với việc xác suất xảy ra là rất thấp”.

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 4

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, để phòng ngừa Covid-19, khi chúng ta tập trung vào các biện pháp đã được khuyến nghị như thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, không đưa tay lên khu vực mặt mũi miệng, đồng thời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn, thì nghiễm nhiên cũng sẽ loại trừ luôn các rủi ro lây nhiễm vừa được đề cập.

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 5

Thực nghiệm đã chỉ ra rằng, thời gian virus SARS-CoV-2 tồn tại trên các bề mặt khác nhau có sự chênh lệch lớn. Theo đó, trong điều kiện lý tưởng, loại virus này có thể tồn tại tối đa 3 ngày trên bề mặt kim loại và nhựa cứng và 24 tiếng trên bìa carton.

Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để kiểm chứng thời gian tồn tại của mầm bệnh này trên chất liệu vải. Hầu hết các chuyên gia về virus cho rằng, kết quả này cũng sẽ gần tương tự với những gì được ghi nhận trên bề mặt bìa carton. “Bề mặt được cấu tạo từ các sợi tự nhiên có tính thấm hút cao khiến giọt dịch chứa virus nhanh khô hơn trên các bề mặt cứng. Các sợi vải cũng sẽ mang đến kết quả tương tự”, nhận định của một chuyên gia.

Virus SARS-CoV-2 có thể bám vào áo quần và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không? - 6

Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2005, với chủ thể là virus gây bệnh SARS (họ hàng gần với virus SARS-CoV-2), kết quả đã chỉ ra rằng, trên bề mặt giấy và vải cotton, sẽ mất khoảng 5 phút, 3 tiếng hoặc 24 tiếng (tùy thuộc vào tải lượng virus) để virus bị bất hoạt. “Ngay cả với tải lượng virus cao trong các giọt bắn, chúng cũng sẽ nhanh chóng mất khả năng lây nhiễm khi bám trên bề mặt giấy và vải cotton”, nhóm tác giả kết luận.

Minh Nhật

Theo NYT, NCBI