Nơi "hồi sinh" những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều năm sống trong bóng tối, bà Lê Thị Huê (92 tuổi) ở Ninh Bình không nghĩ có ngày đôi mắt mù lòa của mình có thể nhìn thấy ánh sáng, thấy con cháu và cả những giọt nước mắt rơi trên má mình.

Phép nhiệm màu

Mới đây, bà Huê đến Bệnh viện mắt Hoa Lư (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) tái khám định kỳ sau một năm phẫu thuật.

Câu chuyện cụ bà trên 90 tuổi, sức khỏe kém, lại mù cả hai mắt trong nhiều năm, được các bác sĩ nơi đây tái sinh ánh sáng nổi tiếng khắp vùng quê xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Nơi hồi sinh những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người - 1
Bệnh viện Mắt Hoa Lư, thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình.

Một năm trước, bà Huê được con đưa đến bệnh viện với hi vọng chữa mắt cho cụ sáng được chừng nào thì mừng chừng đó.

Chị Nguyễn Thị Tình (con dâu bà Huê) kể, mắt cụ kém khoảng 10 năm trước, sau đó thì mù hẳn. Mọi sinh hoạt hằng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, đi lại đều phải có người hỗ trợ. Nhưng cứ nghĩ mắt kém do tuổi già và không chữa được nên cụ nhất định không chịu đi bệnh viện.

Nơi hồi sinh những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người - 2
Bệnh nhân tin cậy đến khám, phẫu thuật và điều trị các bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt Hoa Lư.

"Sau khi nghe hàng xóm kể nhiều người mắt như mẹ tôi sau phẫu thuật đã tìm lại được ánh sáng nên vợ chồng tôi cho bà đến Bệnh viện mắt Hoa Lư khám và điều trị. Các bác sĩ khám xong thì nói mắt bà vẫn chữa được nên gia đình tôi mừng lắm, quyết định cho bà mổ luôn trong ngày" - chị Tình kể.

Con dâu bà Huê cho biết thêm, ca mổ chỉ kéo dài khoảng 5 phút, sau mổ, mở băng ra là bà đã nhìn thấy mặt con trai, con dâu, bà thấy đường đi lại, thấy mọi thứ xung quanh, hạnh phúc không thể nào diễn tả nên lời.

Nơi hồi sinh những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người - 3

"Kể từ ngày phẫu thuật thành công tìm lại được ánh sáng, mẹ tôi như trẻ ra đến chục tuổi. Mọi sinh hoạt ăn uống, đi lại đều muốn tự làm. Nhìn thấy mẹ vui, con cái cũng phấn khởi" - anh Lê Văn Nam, con trai bà hạnh phúc nói.

Cũng như bà Huê, bà Đoàn Thị Tình (90 tuổi, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cũng bị giảm thị lực nhiều năm nay, gần đây thì mờ hẳn. Bà Tình chỉ còn nhận biết được ánh sáng và bóng tối chứ không nhìn rõ được mặt người. Mọi sinh hoạt ăn uống, đi lại hằng ngày đều phải có một người thay nhau chăm sóc bà.

Nơi hồi sinh những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người - 4

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hoa Lư thăm khám cho bệnh nhân.

Biết được bệnh mắt kém ở người già có thể điều trị được, nên con cháu cho bà xuống Bệnh viện mắt Hoa Lư thăm khám. Anh Phạm Văn Kiên (cháu trai bà Tình) kể, các bác sĩ chẩn đoán, bà tôi bị đục thể thủy tinh cả hai bên, vẫn có khả năng phẫu thuật đem lại ánh sáng bằng phương pháp thay thể thủy tinh nhân tạo. Gia đình chúng tôi tin tưởng vào bác sĩ và bệnh viện nên quyết định cho bà mổ luôn trong ngày.

Sau 3 phút phẫu thuật thay thể thủy tinh, thật may mắn khi mắt bà Tình đã sáng, bà có thể nhìn thấy con cháu, nhìn thấy thế giới đầy màu sắc đã trở lại với mình như một phép nhiệm màu.

Miệt mài đem ánh sáng cho người mù

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện mắt Hoa Lư cho biết, đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thủy tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Nơi hồi sinh những đôi mắt mù lòa đem ánh sáng cho nhiều người - 5
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hoa Lư phẫu thuật đem lại ánh sáng cho nhiều người dân.

Trong hơn 30 năm trong ngành nhãn khoa, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh chứng kiến không biết bao nhiêu giọt nước mắt của bệnh nhân và người nhà sau khi tìm lại được ánh sáng. Nhiều trường hợp khiến ông mừng... rơi nước mắt.

"Có bệnh nhân sau phẫu thuật, mắt sáng, nhìn thấy con trai thì ngỡ hàng hỏi: "Sao con già thế, con của tôi khác cơ?. Đó là bởi vì các bệnh nhân sống trong bóng tối quá lâu, từ khi con cái họ còn trẻ, rồi hình ảnh đó theo họ cho đến tận bây giờ mới lại được nhìn thấy", bác sĩ Nguyễn Văn Thanh xúc động kể.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù lòa, thị lực kém. Ở người cao tuổi, tỉ lệ mù lòa do bệnh đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu. Rất nhiều người cao tuổi không biết bệnh này có thể điều trị được nên sống chung với bóng tối nhiều năm trời.

Bác sĩ Hồ Thị Mai - Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Hoa Lư cho biết, hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật Phaco đặt kính nội nhãn (đặt thể thủy tinh nhân tạo).

Ưu điểm của nó là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường. Mặc dù các ca mổ Phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thể thủy tinh được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.

"Tại Bệnh viện mắt Hoa Lư, mỗi năm chúng tôi phẫu thuật thành công và đem lại ánh sáng cho hàng nghìn người mắc bệnh, giảm tỉ lệ mù lòa cho nhân dân, đồng thời cải thiện chất lượng sống, đem đến niềm vui, hạnh phúc cho những người cây cao bóng cả" - bác sĩ Mai nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm