1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những triệu chứng cần biết về viêm phế quản

(Dân trí) - Các triệu chứng của viêm phế quản khá đặc biệt: Tiếng rít trong ngực. Tiếng thở khò khè. Sung huyết và tiết chất nhầy kéo dài. Khi những triệu chứng này ập đến, bạn sẽ có cảm giác rằng có điều gì đó hơn là cảm lạnh thông thường.

Không chỉ là ho khan nhẹ, viêm phế quản là một bệnh hô hấp trong đó niêm mạc ống phế quản bị viêm. Những ống này đặc biệt quan trọng vì chúng đưa không khí vào và ra khỏi phổi, đó là lý do tại sao viêm phế quản gây ho, thở khò khè và các triệu chứng khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thở bình thường, là nguyên nhân của tiếng rít trong ngực.

Những triệu chứng cần biết về viêm phế quản - 1

Nguyên nhân gây viêm phế quản?

Viêm phế quản thường do nhiễm virus, như cảm lạnh hoặc cúm. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng 85 đến 95% các trường hợp viêm phế quản cấp tính là do virus xâm nhập vào hệ hô hấp.

Trong khi virus tiềm ẩn hầu như luôn lây truyền, thì bản thân viêm phế quản lại không lây. Hơn nữa, không phải ai cũng sẽ bị bệnh, hoặc bị viêm phế quản khi bị bệnh. Những virus này không phải lúc nào cũng gây viêm phế quản ở tất cả các vật chủ. Nếu hai người có cùng một bệnh ban đầu, một người có thể bị viêm phế quản trong khi người kia thì không.

Có bệnh lý nền ở phổi như hen, phơi nhiễm khói thuốc lá, phơi nhiễm nghề nghiệp với một số hóa chất và chất kích ứng, tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản cấp.

Những triệu chứng viêm phế quản phổ biến nhất.

Tiếng lọc xọc trong phổi và ho khan

Ho do viêm phế quản thường đi kèm với chất nhầy trong ngực, có thể bật ra hoặc không khi bị ho (khi bật ra khi ho, nó được gọi là ho xuất tiết) Điều này có thể gây ra cảm giác lọc xọc sâu trong ngực khi hít vào hoặc ho.

Chất nhầy

Màu của chất nhầy có thể thay đổi từ trong đến vàng hoặc màu xanh lá cây, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng hoặc virus mắc phải. Một khi virus đã biến mất và chất nhầy tiêu tan, ho kéo dài có thể trở thành ho khan.

Khò khè, khó thở và tức ngực

Ho cũng có thể kèm theo tức ngực và thở khò khè, có thể kéo dài trong năm đến sáu tuần. Thở khò khè là khi hơi thở phát ra tiếng như tiếng huýt sáo hoặc lọc xọc vì đường thở bị tắc nghẽn. Triệu chứng này thường gặp ở những người mắc bệnh hen. Khi việc thở đòi hỏi phải gắng sức một chút, bạn cũng có thể cảm thấy khó thở.

Đau họng

Ho nhiều như khi bị viêm phế quản có thể làm cho cổ họng bị kích ứng và đau.

Sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi hoặc đau đầu

Việc viêm phế quản thường xuất hiện trên nền các triệu chứng của bệnh do virus ban đầu khiến vấn đề phức tạp hơn một chút. Vì vậy, bạn cũng có thể gặp phải những triệu chứng như sốt và đau đầu (mà bạn có thể đổ lỗi cho bệnh cúm đó chứ không phải viêm phế quản).

Chẩn đoán viêm phế quản như thế nào?

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phế quản dựa trên sự hiện diện của một bệnh khác (đó là lý do tại sao theo dõi sự tiến triển của các triệu chứng là rất quan trọng) và bằng cách nghe phổi trong khi bạn thở.

Nhưng, để loại trừ các bệnh có thể khác, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm, bao gồm chụp X-quang ngực, xét nghiệm chất nhầy để tìm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dị ứng, hoặc kiểm tra chức năng phổi để xem liệu bạn có thực sự bị một tình trạng bệnh khác (như hen hoặc khí phế thũng)hay không.

Điều trị viêm phế quản như thế nào?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản bắt nguồn từ các bệnh do virus, do đó không thể điều trị bằng kháng sinh. Vì vậy, trừ khi bác sĩ nghi ngờ viêm phế quản phát triển từ một bệnh do vi khuẩn, có lẽ bạn sẽ phải đợi cho đến khi nó tự hết mà không có điều trị đặc hiệu. Và nhiều trường hợp viêm phế quản tự hết trong vòng vài tuần.

Nhưng bác sĩ của bạn có thể gợi ý một số việc để kiểm soát các triệu chứng viêm phế quản và làm cho bạn thoải mái hơn trong khi cơ thể đối phó với bệnh.

Ví dụ, điều trị sốt hoặc đau đầu có thể bao gồm các thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), aspirin và acetaminophen.

Và khi bị ho, điều quan trọng là phải càng tránh các chất kích thích phổi càng tốt. Cũng có thể thử sử dụng thuốc giảm ho để giúp ngủ ngon hôn vào ban đêm và máy tạo độ ẩm để làm loãng chất nhầy và giúp chúng dễ dàng thoát ra hơn.

Nếu bạn có bệnh lý nền mãn tính (như hen), bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc hít hoặc thuốc giãn phế quản khác để giảm viêm trong đường thở và giúp dễ thở hơn.

Vậy khi nào thì hết ho?

Ban đầu, ho thường kéo dài từ 10 đến 21 ngày. Nhưng nó có thể kéo dài đến sáu tuần. Mặc dù thời gian có vẻ như bất tận, hãy yên tâm rằng nó sẽ kết thúc.

Trong một số ít trường hợp, sau thời gian đó, bạn vẫn bị ho hoặc ho dai dẳng xảy ra mà không có sự hiện diện của một căn bệnh tiềm ẩn nào khác, bạn có thể mắc một bệnh riêng gọi là viêm phế quản mãn tính. Viêm phế quản mãn tính được chẩn đoán ở những người bị ho xuất tiết trong hầu hết các ngày trong tháng, trong ít nhất ba tháng trong năm, trong ít nhất hai năm liên tiếp. Bệnh thường gặp ở những người hút thuốc và liên quan đến các bệnh phổi khác như khí phế thũng.

Nếu ho nặng kéo dài hơn ba tuần, thì đó là dấu hiệu cho thấy ho không phải do cảm lạnh thông thường và có thể trở thành một bệnh nghiêm trọng hơn, như viêm phế quản. Điều đặc biệt quan trọng là đi khám bác sĩ nếu ho khiến bạn khó ngủ vào ban đêm (hoặc thực sự đánh thức bạn), gây khó thở, sốt trên 38 độ C hoặc ho ra máu hoặc chất nhầy màu rỉ sét.

Và nếu thấy rằng mình thường xuyên gặp phải các triệu chứng viêm phế quản, bạn có thể đang mắc dạng bệnh mãn tính và nên nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị lâu dài.

Cẩm Tú

Theo Self