Những tiến bộ trong điều trị bệnh tim mạch - thận ở người đái tháo đường
(Dân trí) - Vừa qua, tại hội thảo do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia về nội tiết đã chia sẻ những thông tin cập nhật về phương pháp điều trị bằng thuốc mới, được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả trên lâm sàng.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng đường trong máu mạn tính. Đường huyết tăng cao sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Người bệnh ĐTĐ type 2 lâu ngày dễ dẫn đến nhiều biến chứng.
Trong đó, phổ biến nhất là biến chứng về bệnh lý tim mạch và thận, tạo thành bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa. Những người mắc ba bệnh ĐTĐ, suy thận, nhồi máu cơ tim cùng lúc có nguy cơ bị giảm tuổi thọ đến trên 10 năm tuổi.
Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm do ĐTĐ, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ kế hoạch và mục tiêu điều trị, bao gồm kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, huyết áp, mỡ máu và duy trì một lối sống khỏe mạnh kết hợp với điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vừa qua, tại hội thảo do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (BV HMSG) tổ chức, các chuyên gia về nội tiết đã chia sẻ những thông tin cập nhật về phương pháp điều trị bằng thuốc mới, được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả trên lâm sàng. Đồng thời chia sẻ những hiệu quả thực tế đã được triển khai trong chương trình quản lý toàn diện bệnh lý ĐTĐ tại bệnh viện.
Đây là tin vui cho những người bệnh ĐTĐ túyp 2 lâu năm khi có thể chủ động phòng tránh và điều trị bảo vệ tim mạch - thận hiệu quả, duy trì chất lượng cuộc sống và tuổi thọ lâu dài.
BS.CKII Nguyễn Thị Thu Mai, Phó giám đốc Chuyên môn, BV HMSG cho biết, hàng năm, BV HMSG tiếp nhận gần 60.000 lượt người bệnh ĐTĐ túyp 2. Chương trình quản lý toàn diện ĐTĐ túyp 2 của bệnh viện trong những năm qua đã đem lại những kết quả vượt trội, kiểm soát tỷ lệ biến chứng suy thận ở người bệnh ĐTĐ chỉ còn 5%, một tỷ lệ thấp so với tỷ lệ biến chứng trung bình trên thế giới là 36% (theo thống kê từ nghiên cứu đoàn hệ đa quốc gia được công bố tại tạp chí Diabetes Obes Metab).
"Chương trình đạt thành công vượt trội là nhờ sự đồng hành của người bệnh và thân nhân trong việc tuân thủ phác đồ chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc thay đổi thói quen lối sống khỏe mạnh", BS.CKII Nguyễn Thị Thu Mai, nhấn mạnh.
Những biểu hiện của bệnh ĐTĐ thường mơ hồ, không rõ ràng, diễn tiến âm thầm, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thực hiện các chương trình tầm soát toàn diện.
Theo đại diện BV HMSG, chương trình tầm soát tiền ĐTĐ tại bệnh viện bao gồm: các bác sĩ sẽ đánh giá những nguy cơ bao gồm độ tuổi, chỉ số cơ thể (BMI, số đo vòng bụng,...), yếu tố gia đình (có người thân đã từng mắc bệnh ĐTĐ), thói quen sinh hoạt, lối sống và sau đó tư vấn cho người bệnh thực hiện những chỉ định tầm soát về chỉ số đường huyết trong máu và HbA1c, từ đó có thể đánh giá được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường với từng trường hợp cụ thể.
Quy trình của chương trình tầm soát biến chứng đái tháo đường
Đại diện BV HMSG cho biết, các bác sĩ sẽ đồng hành cùng người bệnh trong tiến trình theo dõi và kiểm soát các bệnh lý - biến chứng do đái tháo đường gây ra, bao gồm:
Tầm soát biến chứng mắt: phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển đến mất thị lực. Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường không có triệu chứng cho đến khi tổn thương tiến triển nặng. Chẩn đoán bằng phương pháp chụp soi đáy mắt tại thời điểm mới phát hiện bệnh và sau đó định kỳ mỗi năm 1 lần hoặc khi có triệu chứng.
Tầm soát bệnh lý tim mạch: hiện nay, bằng phương pháp siêu âm có thể phát hiện ra các mảng xơ vữa ở động mạch. Soi đáy mắt cũng có thể thấy hình ảnh gián tiếp của các động mạch nhỏ bị xơ cứng.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định làm điện tâm đồ, siêu tâm tim để phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh động mạch vành. Trong trường hợp cần thiết sẽ chỉ định người bệnh làm thêm phương pháp gắng sức như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, CT mạch vành, mạch máu để xác định mức độ xơ vữa của mạch vành, mạch máu.
Tầm soát bệnh thận: làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra về tỉ số microalbumin niệu hoặc creatinin niệu hoặc tình trạng tiểu ra đạm. Kiểm tra creatinine máu và nước tiểu theo định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.
Tầm soát bệnh lý mạch máu ngoại biên: đây là bệnh lý có những nghi ngờ về lâm sàng nhưng khó xác định được vì người bệnh có những triệu chứng không điển hình hoặc không hoạt động thể lực đủ để có các triệu chứng.
Bệnh gây ra tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi (hầu hết là chi dưới), gây thiếu máu cục bộ. Bệnh thường được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm không xâm lấn như đo chỉ số ABI và vận tốc sóng mạch, siêu âm mạch máu, chụp CT mạch máu.
Tầm soát bệnh thần kinh ngoại biên: bằng cách đo điện cơ.
Hotline tư vấn chương trình quản lý đái tháo đường BV HMSG: 028 3990 2468.