Những thói quen xấu hằng ngày khiến bạn dễ mắc ung thư dạ dày
(Dân trí) - Bạn không nên để dạ dày quá đói, bởi khi để đói kéo dài, lượng axit trong dạ dày cao trong khi đó dạ dày lại tăng cường co bóp. Đây là yếu tố làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày-tá tràng.
Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn.
Nhiều người mắc bệnh ung thư dạ dày chính từ những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số thói quen xấu bạn nên bỏ để dạ dày luôn khỏe mạnh.
Thói quen trong ăn uống
Ăn uống cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày. Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K, chế độ ăn uống, ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Thực phẩm chứa nhiều muối nitrat, nitrit
Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Chế độ ăn quá nhiều muối (ăn mặn, ăn trên 5 gam muối mỗi ngày)
Ăn mặn làm tan chảy các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc dạ dày gây tổn thương các tế bào đó.
Thói quen ăn thịt rán
Một số nơi có thói quen ăn thịt rán, thậm chí rán nhiều lần, dùng dầu mỡ đã cháy rán lại, tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn. Nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất gây ung thư, ngay cả dầu rán và mỡ.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ liên quan đến ung thư phổi mà còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như ung thư dạ dày. Hút thuốc lá và béo phì làm tăng tỷ lệ ung thư dạ dày.
Ăn thiếu rau xanh
Chế độ ăn thiếu ranh xanh, hoa quả tươi, các vitamin C, A, E…cũng là yếu tố nguy cơ thuận lợi cho ung thư dạ dày.
Chất bảo quản, chất hóa học nhuộm màu
Các chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc lên men cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa trong đó có ung thư dạ dày.
Bạn nên:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích
- Không để dạ dày quá đói, bởi khi để đói kéo dài, lượng axit trong dạ dày cao trong khi đó dạ dày lại tăng cường co bóp. Đây là yếu tố làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng. Vì thế cần ăn đúng giờ, đúng cách, đảm bảo cho sức khỏe.
- Không được nhịn ăn, nhất là ăn sáng; bữa tối chỉ ăn vừa đủ no. Sau bữa ăn, hạn chế vận động mạnh, chỉ vận động sau ăn khoảng 30 phút.
Thói quen trong sinh hoạt, tập luyện
Căng thẳng
Theo cử nhân Trương Thị Nhung, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có một tỷ lệ khá cao số người mắc viêm dạ dày tá tràng liên quan đến yếu tố thần kinh. Nguyên nhân là do khi căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, hệ thống thần kinh thực vật tăng cường hoạt động. Đây là một trong những yếu tố tăng tiết axit trong dạ dày, làm giảm lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc và là yếu tố tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày.
Chính vì thế, khi hạn chế được các yếu tố thần kinh (căng thẳng nghề nghiệp, mất ngủ kéo dài), sinh hoạt điều độ sẽ giúp chúng ta có niêm mạc dạ dày khỏe mạnh và hệ tiêu hóa khỏe mạnh, không bệnh tật.
Thức khuya
Khi thức khuya cơ thể sẽ có những phản ứng bằng cách tiết ra các hormon để chống đỡ các cơn mệt mỏi của cơ thể. Việc tiết ra hormon đó cũng bắt hệ hô hấp, tim mạch, hệ tiêu hóa làm việc nhiều hơn và khi làm việc trong điều kiện đói, không đầy đủ cũng là yếu tố làm tăng tổn thương đường tiêu hóa, dẫn đến đau dạ dày.
Thuốc gây hại dạ dày
Việc sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, khớp... Do các thuốc này có ảnh hưởng đến dạ dày, vì vậy khi phải dùng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý, nên uống thuốc khi đã ăn no (trong dạ dày đã được trung hòa), tác dụng phụ của thuốc sẽ giảm tối thiểu.
Việc sử dụng một số thuốc điều trị như tim mạch, khớp cũng gây ảnh hưởng đến dạ dày.
Ngoài ra, khi có các dấu hiệu của bệnh dạ dày (ợ hơi, ợ chua, thường xuyên đau vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ hoặc quặn thành cơn...), cần đi khám ở các phòng khám chuyên khoa. Việc khám và phát hiện sớm các tổn thương viêm dạ dày sẽ giúp quá trình điều trị đơn giản và nhanh chóng.
Bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn. Tập thể dục không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn, tăng cường hệ miễn dịch mà còn tạo tâm lý thoải mái hơn. Đây là những yếu tố thuận lợi để bạn có một dạ dày luôn khỏe mạnh.
Hà An