Những thói quen ảnh hưởng đến tình dục và sinh sản

Để điện thoại di động trong túi quần trước làm giảm lượng tinh trùng. Người hiếm muộn không nên ăn những món ăn chế biến từ đậu nành... Có nhiều thói quen trong cuộc sống ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản của bạn.

Điều chỉnh thói quen ăn uống

Một chế độ ăn uống giúp tăng cường sản xuất tinh trùng phải có đầy đủ ngũ cốc ít chế biến (gạo lức, bắp, khoai đủ loại), rau, trái cây có màu sắc tự nhiên (xanh - đỏ - tím - vàng), giàu chất xơ, vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin E. Các thức ăn động vật như cá, thủy hải sản và chất béo cần được cung cấp ở mức độ vừa phải, dưới 30% tổng số calo và phải có sự cân đối giữa các chất acid béo no và không no,

Đậu nành là một thực phẩm tuyệt hảo, tuy nhiên cũng có trường hợp nên tránh dùng như những người hiếm muộn. Các chuyên gia về sức khỏe sinh sản của Anh khuyên phụ nữ chuẩn bị có thai không nên ăn nhiều thức ăn chế biến từ đậu nành. Hợp chất genistein trong đậu nành có tác dụng tiêu diệt tinh trùng trước khi chúng kịp kết hợp với trứng. Nữ giáo sư Lynn Fraser, thuộc trường King’s College London cho biết, chỉ cần một lượng nhỏ chất này cũng đủ để tiêu diệt các tinh trùng.

Chế độ tiết thực giàu vitamin, đặc biệt là vitamin E, có tác dụng tốt đến việc sinh sản tinh trùng. Thí nghiệm cho thấy, động vật ăn khẩu phần không có vitamin E có tinh hoàn nhỏ lại, giảm hoạt động sinh dục. Vitamin E làm tăng khả năng tái sinh của ống sinh tinh, làm tăng số lượng tinh trùng. Với phụ nữ, vitamin E cũng có tác dụng tốt cho hoạt động buồng trứng và sự phát triển vú.

Vitamin C giúp cho tinh dịch không bị dính kết với nhau. Các loại vitamin A, vitamin nhóm B, nhất là vitamin B12 cũng có tác dụng tốt đối với tế bào sinh dục.

Các yếu tố vi lượng cũng cần thiết cho sự sinh tinh, trong đó phải kể đến kẽm và mangan. Nồng độ kẽm trong tinh dịch có liên quan trực tiếp đến độ di động của tinh trùng. Chế độ ăn thiếu kẽm có thể làm giảm cả về số lượng tinh trùng lẫn thể tích tinh dịch.

Trà, chè tươi hay cà phê làm tăng tỷ lệ tinh trùng hoạt động và tăng tuổi thọ nhờ chất cafein. Chè cũng là thực phẩm có chứa nhiều mangan nên thói quen uống trà sẽ có lợi cho những người hiếm muộn.

Các thói quen cần tránh

Việc uống rượu nhiều ảnh hưởng lớn đến tinh trùng. Các nghiên cứu cho thấy rằng tác hại của rượu khiến tinh trùng có thể chỉ phục hồi một phần sau khi ngưng rượu một thời gian.

Khói thuốc lá có thể khiến thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non tháng, tử vong chu sinh và lâu dài, chậm phát triển tinh thần… Hút thuốc thường gây một số trục trặc về sức khỏe ở phụ nữ như mãn kinh sớm, thai lạc chỗ, sảy thai, thai chết lưu và ung thư cổ tử cung. 

Thói quen tắm nước quá nóng, nhất là ngâm mình lâu trong bồn tắm nước nóng, mặc quần lót quá chật hay quần lót chế tạo bằng ny lông làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng. Nhiệt độ thích hợp để tinh hoàn sản xuất tinh trùng từ 35,5 đến 36 độ C.

Thuốc men cũng có ảnh hưởng trên khả năng sinh sản và tình dục. Thuốc chữa cao huyết áp, một số loại kháng sinh, thuốc dùng trong điều trị các bệnh thấp khớp, nhiễm nấm, viêm loét ruột kết, động kinh… đều ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng và có khả năng gây vô sinh.

Việc ngồi lâu một chỗ cũng có tác hại đến tinh hoàn.

Thói quen đi xe đạp liên tục mỗi ngày nhiều giờ và kéo dài hàng tháng cũng ảnh hưởng đến tinh trùng. Nghiên cứu ở những vận động viên đua xe đạp trong thời gian luyện tập trước khi thi đấu cho thấy, số lượng và chất lượng tinh trùng của họ đều giảm so với trước. Điều này có thể giải thích là do tinh hoàn thường xuyên bị sức nén và cọ sát nên bị sung huyết, làm nhiệt độ vùng bìu luôn luôn ở mức cao.

Thói quen dùng các chất bôi trơn khi giao hợp có ảnh hưởng không tốt cho việc di chuyển của tinh trùng.

Việc tiết chế tình dục trong thời gian dài hoặc tiếp xúc lâu với các kim loại (chì, sắt), acide, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ, tia X…. có thể làm tinh trùng suy yếu, mất khả năng hoạt động và di chuyển, thậm chí là làm ngưng việc sản xuất tinh dịch.

Theo Sức Khỏe và Đời Sống