1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những sự kiện y tế nổi bật 2006

(Dân trí) - 2006 thực sự là một năm buồn nhiều hơn vui của ngành Y tế Việt Nam với vụ tai biến do tiêm chủng; nỗi ám ảnh của đại dịch cúm gia cầm trở lại... Chỉ duy có một điểm sáng là những bước tiến vượt bậc của chuyên ngành ghép tạng Nhi.

1. Dịch cúm gia cầm quay trở lại

 

Sau hơn 1 năm khống chế được dịch cúm gia cầm, tháng 12/2006, dịch cúm gia cầm đã "tái xuất" với sự xuất hiện 2 ổ dịch ở Bạc Liêu và Cà Mau.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù ca bệnh cuối cùng ở người được xác định vào ngày 25/11/2005 nhưng nguy cơ bùng phát trở lại của một đợt dịch mới luôn tiềm tàng vì sự chủ quan trong thói quen sử dụng gia cầm của người dân.

 

Cùng với việc sản lượng tiêu thụ gia cầm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán đang đến, nguy cơ cúm gia cầm bùng phát trở lại ở Việt Nam đang là vấn đề đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

 

2. Phát hiện bệnh xơ hoá cơ delta 

 

Những sự kiện y tế nổi bật 2006 - 1
 

Cả nước có hơn 10.000 trường hợp

bị bệnh "chim sệ cánh". 

Hội chứng teo cơ tay và vai, bả vai nhô cao, biến dạng lồng ngực với tên gọi dân gian “bệnh chim sệ cánh” đã khiến cả nước giật mình bởi có tới hàng chục nghìn trẻ mắc bệnh trên toàn quốc.

 

Sau khi bệnh được phát hiện, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn cán bộ chuyên gia đến tìm hiểu thực tế tại các địa phương có nhiều trẻ mắc bệnh như Hà Tĩnh, Phú Thọ….và đã xác định đây là bệnh “xơ hoá cơ delta". 

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có sự trả lời chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Các chuyên gia cho rằng có nhiều khả năng đây là hậu quả của việc tiêm kháng sinh nhiều lần vào bắp tay.

 

Một thời gian ngắn sau đó, phác đồ điều trị căn bệnh này đã được công bố với giải pháp chính là phẫu thuật, cắt bỏ đoạn cơ bị xơ. Đây là hình thức phẫu thuật khá đơn giản và có thể thực hiện ở cả bệnh viện địa phương (sau khi bác sĩ đã được tập huấn). Đến nay, đã có 70-80% số trẻ xơ hóa cơ delta được mổ.

 

Điều đáng buồn là đã có không ít bác sĩ tìm cách lôi kéo bệnh nhân về phòng khám tư để phẫu thuật, nhiều trẻ bị mổ sai, khiến Bộ phải ra phác đồ mới, siết chặt hơn tiêu chuẩn phẫu thuật.

 

3. Tử vong do tiêm chủng

 

Một sự kiện hy hữu đã xảy ra lịch sử tiêm chủng Việt Nam. Ngày 10/5, sau khi tiêm vac-xin Priorix phòng quai bị - sởi - rubella, một cháu bé 13 tháng tuổi đã tử vong. Hai bé khác  tiêm cùng loại vac-xin trong cùng một ngày ở tại trạm y tế Q.5 TPHCM cũng lâm vào tình trạng nguy kịch. Sự kiện này đã khiến số trẻ đi tiêm chủng giảm gần một nửa.  

 

Khi nguyên nhân cái chết của cháu bé này được các chuyên gia y tế trong nước và thế giới khẳng định do sốc độc tố vi khuẩn tụ cầu trùng vàng lây từ tay nhân viên y tế (một tai nạn nghề nghiệp ngẫu nhiên), tình hình tiêm chủng nhích lên chút ít nhưng vẫn còn đó những mối lo lắng khiến nhiều bậc cha mẹ chưa thể yên tâm. 

 

TS Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phải lên tiếng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng mà bỏ qua những mũi tiêm phòng cần thiết đối với trẻ nhỏ.

 

4. Ghép tạng Việt Nam ''lên tay''

 

 

Những sự kiện y tế nổi bật 2006 - 2
 

Bộ trưởng Y tế Trần Thị Chung Chiến đến thăm và

tặng quà cho bé Đặng Gia Hùng trong ngày cháu ra viện. 

Sau thành công của ca ghép gan đầu tiên (tháng 7/2005), năm 2006 được đánh giá là năm thành công của ghép tạng Việt Nam.

 

Liên tiếp các ca ghép gan được thực hiện tại hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM. Trong đó, 3 bệnh nhi được ghép gan tại bệnh viện Nhi đồng II TPHCM. Riêng bệnh viện Nhi đã TƯ tiến hành được 3 ca ghép gan, 2 ca gép thận và 1 ca ghép tuỷ.

 

Đặc biệt, ngày 13/3/2006 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - TPHCM đã diễn ra ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam (11 tháng tuổi). Sau 10 tiếng liên tục, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Đây là một bước tiến quan trọng đối với chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam, tạo đà cho nhiều ca phẫu thuật gép gan, thận, tuỷ cho bệnh Nhi trên toàn quốc.

 

Cùng với ghép gan, BV Nhi TƯ cũng đã thực hiện thành công  2 ca ghép tuỷ cho bệnh nhi. Thành công trong lĩnh vực ghép tuỷ đã thực sự mở ra con đường sống cho trẻ em bị các bệnh ung thư máu đang ngày càng tăng lên.

 

Về lĩnh vực ghép tim, Học viện Quân Y 103 đã thành công trong việc ghép tim thực nghiệm trên lợn. Thành công bước đầu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực ghép tim, vốn còn rất khó khăn và mới mẻ ở Việt Nam.

 

5. Thử nghiệm vac-xin cúm A/H5N1

 

Đây là một thành công quan trọng, nhất là trong thời điểm cúm gia cầm đang quay trở lại Việt Nam.

 

Tháng 11/2006, Viện Vac-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang đã thông báo nhóm nghiên cứu của viện đã nghiên cứu và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm năm lô vac-xin (5.000 liều) cúm A/H5N1 dùng cho người theo kỹ thuật nuôi cấy chủng trên trứng gà có phôi, và đã được kiểm chứng kết quả qua thử nghiệm trên các súc vật gồm: chuột nhắt trắng, chuột lang và gà trống.

 

Trong tháng 12/2006, Viện Pasteur TPHCM đã giải mã hoàn toàn bộ gen của 24 mẫu virus cúm A-H5N1 gây tử vong cho người và gia cầm tại các tỉnh phía Nam trong hai năm 2004-2005. Các chủng H5N1 đều là thể độc và đã có sự biến đổi theo hướng một số đoạn gene có độc lực tăng cao hơn.

 

Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng của năm, thông báo của WHO về tính hạn chế trong hiệu lực phòng bệnh của tất cả các loại vaccine phòng H5N1 đang nghiên cứu và thử nghiệm trên thế giới, trong đó có VN thực sự là một lời cảnh báo: con người vẫn chưa thể chế ngự được H5N1 và 1 đại dịch tương tự như năm 2005 rất có thể sẽ trở lại trong năm 2007 tới.

                            

Nhóm PV Sức khỏe

Báo Dân trí điện tử

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm