1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đồng Tháp:

Những sự cố tiêm chủng không đáng có do yếu năng lực chuyên môn

(Dân trí) - Cuối tháng 1/2015, Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - Rubella đợt 3 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã kết thúc. Nhìn lại 3 đợt tiêm chủng vừa qua, nhiều người không khỏi băn khoăn trước những sự cố tiêm chủng lẽ ra không đáng có.

Sự cố tiêm chủng xảy ra trong chiến dịch mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc yếu tay nghề của cán bộ y tế tuyến xã. Nếu cán bộ ngành Y tế vững về chuyên môn có lẽ không để xảy ra những sự cố đáng tiếc ấy.

Cụ thể, trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi - Rubella đợt 1 tại trường Mầm non Sao Mai (tọa lạc tại phường 3, TP.Cao Lãnh) đã để xảy ra thiếu sót khi cán bộ tiêm chủng của Trạm Y tế phường 3 lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là vắc xin sởi - Rubella nên tiêm nước hồi chỉnh mà không tiêm vắc xin. Nguyên nhân của việc tiêm nhầm này được lãnh đạo Sở Y tế cho là cán bộ tiêm chủng yếu tay nghề nên để xảy ra sự việc trên.

Những sự cố tiêm chủng không đáng có do yếu năng lực chuyên môn
Ngày 20/1 vừa qua, trong đợt tiêm chủng vắc xin sởi - Rubella đợt 3, 11 HS trường Trung học cơ sở Bình Tấn nhập viện nhưng đây chỉ là phản ứng dây chuyền do tâm lý sau tiêm

Dư âm sự cố tiêm chủng đợt 1 chưa kịp lắng xuống thì ngày 20/1 vừa qua, trong đợt tiêm chủng vắc xin sởi - Rubella đợt 3, 11 HS trường Trung học cơ sở Bình Tấn (xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình) có triệu chứng muốn ói, mệt, khó thở sau tiêm. Với kết quả khám là sức khỏe các em bình thường nhưng cán bộ Trạm Y tế xã Bình Tấn lại đưa các em đến trạm theo dõi, rồi dùng cả xe tải đưa các em đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Bình điều trị, theo dõi gây hoang mang cho phụ huynh lẫn HS, gây sự hiếu kỳ cho nhiều người.

Tương tự, ngày 27/1, tại trường trung học cơ sở Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) có 24 HS sau khi tiêm ngừa vắc xin sởi - Rubella có triệu chứng nôn ói, mệt, khó thở và giáo viên, nhân viên Trạm y tế xã đã đưa các em về trạm chăm sóc, theo dõi, điều này gây hoang mang cho phụ huynh các em. 

Theo bác sĩ Đoàn Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Y tế, tất cả học sinh có triệu chứng nói trên là do phản ứng dây chuyền hàng loạt xảy ra sau tiêm do yếu tố tâm lý. Việc đưa HS nhập viện cho thấy có sự hạn chế về mặt chuyên môn của cán bộ trạm y tế. Lẽ ra khi khám sàng lọc biết chắc các em không bị phản ứng sau tiêm thì phải chăm sóc, trấn an tại địa điểm tiêm vắc xin.

Sự cố tiêm nhầm vắc xin và sự cố xử trí tình huống sau tiêm chủng trong chiến dịch tiêm vắc xin lần này dù ít dù nhiều đã dẫn đến tâm lý e ngại của các bậc phụ huynh mỗi khi đưa con em mình đi tiêm chủng cũng như sự lo lắng của cán bộ y tế khi thực hiện công tác tiêm chủng. Lợi ích của việc tiêm chủng mở rộng thì ai cũng biết, tuy nhiên, để khắc phục, tránh xảy ra sai sót (nguyên nhân chính được xác định do yếu năng lực chuyên môn) cũng như đảm bảo việc tiêm chủng đi vào chất lượng, có lẽ ngành Y tế tỉnh cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại về thực hành tiêm chủng, thực hiện đúng các quy trình tiêm chủng cũng như xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng cho cán bộ y tế; sắp xếp những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác tiêm chủng để thực hiện việc tiêm chủng. 

Ngoài ra, ngành Y tế cũng nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất các điểm tiêm chủng nhằm kịp thời xử lý các điểm tiêm chủng sai phạm, làm được như vậy các bậc phụ huynh mới thật sự yên tâm và luôn đồng hành cùng ngành Y tế trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

Nguyễn Hành – H. Nghĩa