Những quyết định giá trị bằng cả sinh mạng trong phòng mổ
Cánh cửa phòng mổ như ranh giới giữa sự sống và cái chết, ở đó quyết định của bác sĩ có giá trị bằng cả sinh mạng người bệnh. Những cuộc chiến âm thầm nhưng quyết liệt trong phòng mổ tại BV F.V đã giúp giúp hồi sinh cho nhiều người tưởng như đã cầm chắc cái chết.
“Nghề y là một nghề đặc biệt, người hành nghề không kinh doanh vật chất mà nắm trong tay mình sinh mạng của bệnh nhân. Những quyết định đúng và kịp thời từ bác sĩ sẽ cứu sống người bệnh nhưng quyết định sai lầm hoặc chậm trễ ở bác sĩ có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng của người bệnh.” Đó là phân tích của GS.TS Khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Quan điểm của GS Mạnh Hùng chính là thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các bệnh viện, nơi những bác sĩ phải giành giật từng giây, từng phút, từng hơi thở với tử thần để giữ lại sự sống cho bệnh nhân. Một trong những điểm nóng của ngành y tế trên địa bàn TPHCM luôn tiếp nhận nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh là Bệnh viện FV. Nhớ lại những ca bệnh thoát chết trong gang tấc, các bác sĩ ngoại khoa đang làm việc tại đây cũng không khỏi rùng mình.
Những quyết định kịp thời của bác sĩ có giá trị bằng cả sinh mạng người bệnh
Bằng kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, mới đây BS Phan Văn Thái cùng các đồng nghiệp tại khoa Ngoại, Bệnh viện FV đã phẫu thuật kịp thời cho một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Đó là trường hợp của ông N.V.T (78 tuổi) được bệnh viện địa phương chuyển đến khi đã, rối loạn tri giác, tụt huyết áp, đau bụng dữ dội.
“Điều tra bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều ngày. Qua thăm khám lâm sàng và kiểm tra hình ảnh, tôi nghĩ ngay đến bệnh lý cấp tính, nhồi máu mạc treo ruột gây hoại tử ruột. Bệnh cảnh này nếu chậm trễ can thiệp phẫu thuật, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lên đến 100%. Nhưng nếu tiến hành phẫu thuật và hồi sức tích cực thì tỉ lệ tử vong vẫn chiếm từ 60% đến 90%.” BS Thái cho hay.
Trước khi mổ, bệnh nhân đã rơi vào cơn nguy cấp, phải điều trị nội khoa, hồi sức tích cực. Người bệnh có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nên bác sĩ phải túc trực liên tục bên giường bệnh theo dõi mọi chỉ số sinh hiệu, cứ 10 phút lại đánh giá tổng trạng bệnh một lần. Sau 2 giờ khẩn trương hồi sức, nhận thấy bệnh nhân đã tạm ổn, các bác sĩ đã “chớp thời cơ” mổ cấp cứu. Thực tế cuộc mổ chỉ ra, chẩn đoán ban đầu của bác sĩ là hoàn toàn chính xác, cụ V.T. bị nhồi mạch máu treo ruột, khiến ruột non bị hoại tử trên diện rộng. Ê kíp phẫu thuật đã phải cắt bỏ 80% ruột non, cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Sau ca mổ trên, các bác sĩ tại khoa Ngoại tổng quát, bệnh viện FV lại bước vào một cuộc chiến “cân não” với thần chết khi tiếp nhận nữ sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng chuyển đến cấp cứu sau tai nạn giao thông. BS Lê Đức Tuấn cho hay: Khi vào viện bệnh nhân đã bị hôn mê do vỡ ruột, vỡ lách dẫn tới mất máu cấp; mạch, huyết áp không đo được. Thông thường mọi chỉ định điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật phải có sự đồng ý của thân nhân, nếu tự ý chữ trị cho người bệnh bác sĩ có nguy cơ phải đối mặt với những khiếu kiện.
“Tuy nhiên, đây là trường hợp nhập viện không có người thân, nếu phải chờ người nhà chắc chắn chúng tôi sẽ mất bệnh nhân.” Đặt nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu, bỏ qua những lo lắng rủi ro có thể xảy đến với bản thân nếu việc cứu chữa bất thành các bác sĩ đã bắt tay vào cuộc mổ. Sau 6 giờ chạy đua với tử thần, BS Đức Tuấn cùng đồng nghiệp đã can thiệp thành công, giúp bệnh nhân hồi sinh.
Nhưng ca bệnh kịch tính nhất mà các bác sĩ tại Bệnh viện FV nhớ như in là trường hợp anh N.C.M. bị tai nạn lao động. Trong lúc làm việc, anh M. bị thanh sắt đâm xuyên từ ngực xuống bụng gây rách thành ruột, thủng dạ dày, vỡ gan, mất máu cấp. Trước nguy cơ người bệnh có thể tử vong bất kỳ lúc nào, bệnh viện đã phải huy động tất cả các chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại phục vụ cứu chữa.
Thanh sắt xuyên qua mạch máu lớn, khi vừa mở ổ bụng bệnh nhân thì máu phun lên như vòi nước, gần chạm tới trần nhà. Thoáng chút giật mình, các bác sĩ đã dùng kẹp cầm máu thành công, đồng thời sử dụng hệ thống thu hồi máu khép kín truyền trở lại cơ thể người bệnh. Ê kíp phẫu thuật tiếp tục mổ thám sát thì phát hiện vết thủng ở dạ dày khiến thức ăn tràn ra ổ bụng, đe dọa nhiễm trùng hoại tử.
BS Đức Tuấn tâm sự: “Sau khi rút thành công thanh sắt, khâu lại những vết rách, rửa ổ bụng cho người bệnh,… cả ê kíp mổ đều rã rời vì căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng ngày bệnh nhân hồi tỉnh với nụ cười trên môi, những người hành nghề y chúng tôi cảm thấy không niềm hạnh phúc nào sánh bằng”.
V.S