Những nguyên nhân béo phì
(Dân trí) - Nhân loại cả thế giới đang “tròn” dần. Vẫn biết 95% nguyên nhân là do thói quen ăn uống và lối sống nhưng để thay đổi lại là vấn đề cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, những quan niệm của bạn về béo phì có đúng đắn?
1.Có yếu tố di truyền trong béo phì không?
Có. Bạn thường thấy có những trẻ ăn rất nhiều mà vẫn gày gò, trong khi cùng lượng thức ăn như thế thì trẻ kia béo phì. Bạn sẽ cho rằng ông trời như thế là không công bằng. Cũng chả nên trách ông trời bởi sự háu ăn ở một số trẻ lại liên quan đến vấn đề di truyền.
Năm 1994 bác sĩ Jeffrey Fridman( Đại học Rockefeller ở New York) khám phá ra một gien gọi là OB ở loài chuột béo phì. Tại mô mỡ của loài chuột này xuất hiện chất có tên là leptin, một protein gồm 146 acid amin được gọi là hormon điều chỉnh cân nặng. Leptin làm nhiệm vụ truyền lên não thông tin về sự no, thiếu leptin con vật ăn mãi mà không có cảm giác no gây ra béo phì. Vài tháng sau đó cũng nhóm nghiên cứu này tìm được gien tương ứng ở người, cũng gọi là OB, nằm ở nhiễm sắc thể số 7.
Thế rồi khi định lượng leptin ở những người bị béo phì người ta thấy nồng độ chất này tăng cao. Điều này có 2 lý do: hoặc là sự suy giảm những thụ thể tiếp nhận leptin ở não, hoặc là cơ thể người béo phì sinh ra một chất kháng leptin khiến chất này không ức chế cảm giác thèm ăn được.
Thực tế các nhà khoa học ước đoán có gần 200 gien liên quan đến béo phì. Các nhà khoa học Thụy Điển thuộc Đại học Goteborg đã phát hiện ở chuột một gien giúp chúng ăn chất béo thỏai mái mà vẫn có thân hình thon thả. Gien này có tên là FOXC2. Họ hy vọng sẽ dùng gien này để điều trị béo phì cho người. Nhưng từ nghiên cứu đến sản xuất còn là vấn đề thời gian, tiền bạc, trong khi số người béo phì cứ tăng lên mỗi ngày.
2.Có yếu tố nội tiết trong béo phì không?
Có và nhiều nữa. Ngoài leptin họat động như một hormon đã nêu ở trên các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều hormon liên quan đến béo phì.
Nhóm làm giảm ăn gồm: Serotonin, Pro-opiomelanocortin(POMC), alpha Melatocyte Stimulating hormon( alpha MSH) và Cocain Amphetamin Regulated Transcript (CART).
+Serotonin liên quan đến cảm giác “no”. Khi bạn đói cồn cào, ngồi vào bàn ăn hoặc khuấy vội một ly nước đường để uống thì lập tức Serotonin được tiết ra từ ruột phóng thích vào máu đến não gây cảm giác “no”.
+Alpha MSH tác động trực tiếp đến trung tâm “no” để gây nên cảm giác “no”.
+CART ức chế sự ngon miệng.
Những thuốc nhằm kích thích họat động của những nhân tố giảm ăn này đều gọi là thuốc gây chán ăn.
Nhóm gây kích thích ăn gồm: Norepinephrine, Neuropeptid Y và Agouti Related protein( AgRP), Ghrelin, Insulin
+Norepinephrine: là chất kích thích trung tâm ăn dẫn đến cảm giác thèm ăn. Nhờ biết tác dụng này nên nên người ta dùng Phentermin để ức chế Norepinephrine sẽ gây chán ăn.
+AgRP làm tăng hoạt động ăn do tác động ức chế trung tâm “no”. AgRP còn có tác động trên tế bào mỡ làm tế bào phình to ra để chứa mỡ.
Khi điều trị béo phì, mỡ trong lòng tế bào giảm đi nhưng dưới ảnh hưởng của AgRP tế bào vẫn phình ra, chờ đợi rất lâu rồi mới chịu xẹp xuống. Đó là lý do các nhà khoa học đề nghị khi đã trở về cân nặng lý tưởng vẫn phải duy trì chế độ ăn trong vòng 2 năm để không “tái béo”.
+ Hormon peptid YY 3-36 hay còn gọi là PYY được phát hiện từ thập niên 80, nhưng khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn chỉ được phát hiện gần đây.
PYY tiết ra ở thành ruột khi ta bắt đầu ăn. PYY sẽ truyền tin lên não đến trung tâm “no” để chúng ta không cảm thấy đói nữa.
Các nhà khoa học Anh, Mỹ ,Úc đã phân lập được PYY và dùng cho 12 người tình nguyện ở độ tuổi 20. Kết quả thật bất ngờ: họ mau có cảm giác no và cảm giác no kéo dài tới 12 giờ sau đó. Hiện hướng nghiên cứu này đang tiếp tục và có nhiều hứa hẹn.
+ Ghrelin được tổng hợp từ dạ dày, tác dụng kích thích lượng ăn vào. Khi đói dạ dày tăng tiết Ghrelin, đồng thời kích thích tăng tiết GH từ tuyến yên. GH làm tăng quá trình tiêu mỡ. Ghrelin cũng kích thích trực tiếp đến trung tâm ăn làm tăng cảm giác thèm ăn.
+ Insulin: là hormon của tuyến tụy có tác dụng làm giảm đường huyết. Khi chúng ta ăn, insulin được bài tiết nhiều để giúp glucose đi vào trong tế bào, giúp tăng tổng hợp mỡ. Khi lượng glucose trong máu giảm lại kích thích sự thèm ăn.
3. Cơ thể sẽ điều hòa cảm giác no đói như thế nào?
Vùng dưới đồi (hypothalamus) có “Trung tâm ăn” và “Trung tâm no”. Hai trung tâm này hoạt động nhịp nhàng với nhau. “Trung tâm no” được coi như khu vực nhận cảm về chất ngọt, khi lượng đường trong máu giảm hắn bèn kích thích “Trung tâm ăn” khiến bạn có cảm giác thèm ăn không chịu nổi. Bạn ăn các món ngọt vào, chúng thỏa hiệp ngay. Nhưng isulin lập tức tiết ra làm giảm đường trong máu. Thế là những người khoái món ngọt cứ tiếp tục đi tìm cảm giác ngọt và bụng của họ tròn ra rất nhanh là vậy.
Nhưng ở não cũng có những hormon gây chán ăn luôn kích thích “Trung tâm no”. Bạn đang đói, ăn vào là cảm giác no xuất hiện. Nếu bạn lập tức ngừng ăn thì sẽ không bao giờ bị béo phì. Nhưng bạn cứ tiếp tục với các món khoái khẩu để rồi bao tử căng cứng thì đương nhiên các hormon gây chán ăn cũng chào thua.
4.Thói quen ăn uống- Kẻ thù của béo phì
Loanh quanh những cơ chế gây béo phì rồi chúng ta cũng quay lại vấn đề dễ hiểu, dễ nhìn thấy nhất. Đó là: không ăn nhiều làm sao mà béo được.
Lúc nhỏ trẻ mũm mĩm được khen là “dễ ghét” nhưng khi đến trường mẫu giáo là bị mất điểm thi đua, bé mặc cảm, cha mẹ lo lắng. Thói quen ăn nhiều ăn vặt, ăn ngọt, ăn béo, ăn khuya là thủ phạm chính gây ra những cục thịt mỡ rải khắp nơi trên cơ thể bạn mà nhiều nhất ở bụng.
5. Lối sống không năng động
Ăn nhiều nhưng năng lượng không tiêu thụ hết thì cơ thể buộc phải tích lũy lại dưới dạng mỡ. Thế là chúng ta trở thành tròn trịa. Càng tròn trịa càng lười vận động, lười suy nghĩ. Vòng luẩn quẩn của béo phì cứ bám riết lấy bạn nếu bạn không quyết tâm cởi bỏ nó.
BS. Lê Thuý Tươi
Theo Tri Tri
Chuyên san của báo KH & DT