Những nguy cơ khi dùng sản phẩm có lượng selen vượt ngưỡng

(Dân trí) - Thông tin về việc Trung Quốc phát hiện selen (selenium) vượt ngưỡng trong sữa bột dành cho trẻ sơ sinh đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Bởi đây vốn là vi khoáng lượng giúp điều hòa chức năng tuyến giáp và đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Tuy nhiên, vi chất này có thể gây ngộ độc cấp tính khi dùng quá liều.

Selen cần cho cơ thể như thế nào?

Selenium chỉ được chính thức công nhận là nguyên tố cần thiết cho sức khỏe con người vào năm 1990.

Selen được biết đến là khoáng vi lượng tốt cho sức khỏe, giúp điều hòa chức năng tuyến giáp và đóng vai trò trong hệ miễn dịch.

Selen kết hợp với protein thành selenoprotein, cần thiết cho enzym chống oxy hóa. Tính chất chống oxy hóa của selenoprotein giúp ngăn ngừa gốc tự do làm hư hại tế bào.

Khi cơ thể thiếu selen, nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, bệnh viêm nhiễm và nhiều tình trạng bệnh lý khác có liên quan đến các tổn thương do tăng gốc tự do oxy hóa, gồm cả lão hóa sớm và hình thành đục thủy tinh thể sẽ tăng cao.

Selen có trong những thực phẩm nào?

Thực phẩm thực vật là nguồn selen chính ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hàm lượng selen trong thức ăn tùy thuộc lượng selen trong đất mà cây cối hay thú vật được nuôi trồng. Tại Mỹ, vùng cao nguyên bắc Nebraska và Dakota có mức selen rất cao nên người sống ở những vùng này thường có lượng selen ăn vào cao nhất tại Hoa Kỳ. Trái lại, vài vùng đất ở Trung Quốc và Nga có lượng selen rất thấp, nên bệnh thiếu selen thường báo cáo ở những vùng này.

Selen cũng được tìm thấy trong thịt và hải sản. Thú vật ăn hạt và rau cỏ ở vùng đất giàu selen sẽ có hàm lượng selen cao trong bắp thịt. Thịt, cá và ngũ cốc lứt là nguồn cung cấp selen phổ thông. Vài loại quả hạch như hạt dẻ, hạnh nhân, óc chó, hạt điều… cũng là nguồn cung cấp selen.

Các thực phẩm giàu selen nhất bao gồm: mầm lúa mì, quả hạch Braxin, yến mạch, bánh mỳ, cám, củ cải đỏ Thụy Sĩ, gạo lứt, nước cam…

Những nguy cơ khi quá
liều

Những nguy cơ khi quá liều

Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC của Hoa Kỳ, lượng selen cho phép dùng hàng ngày trong thức ăn là 55 mcg/ngày cho người từ 14 tuổi trở lên, và lượng dung nạp tối đa mỗi ngày là 400 mcg/ngày. Liều cao (>1000mcg/ngày) có thể gây ngộ độc. Trẻ em nên dùng 3,3mcg/kg cân nặng.

Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ selenium. Liều khoảng 900mcg/ngày kéo dài có thể gây ngộ độc selenium, bao gồm các dấu hiệu như: trầm cảm, lo lắng bồn chồn, tính khí và cảm xúc không ổn định, buồn nôn, nôn, hơi thở và mồ hôi có mùi tỏi, và một số trường hợp rụng lông tóc và hư móng. Ngộ độc selenium cấp tính do nguồn gốc thực phẩm hiếm khi xảy ra

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2010 tại Mỹ cho thấy, mức selen trong các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng (thực phẩm chức năng) có thể cao gấp 200 lần mức cho phép, nên gây ngộ độc cấp tính. Nguyên nhân là do nhãn sản phẩm không ghi rõ ràng.

Hậu quả là 227 người bị ngộ độc với các triệu chứng thường gặp là tiêu chảy (78%), mệt nhọc (75%), rụng tóc (72%), đau khớp (70%), móng tay chân đổi máu hay giòn (61%), buồn nôn (58%). Triệu chứng kéo dài trong 90 ngày hay lâu hơn gồm móng đổi máu và mất móng trong 525 ca, mệt nhọc (35%) và rụng tóc (29%). Trong 8 bệnh nhân, mức selen trung bình ban đầu trong huyết thanh là 751 mcg/L trong khi mức bình thường < 125 mcg/L, và nồng độ trung bình selen trong nước tiểu ở 7 bệnh nhân là 166 mg/24 giờ so với mức bình thường < 55 mg/24 giờ.

Nhân Hà

Tổng hợp