1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người vừa chữa bệnh vừa tranh thủ chạy xe ôm kiếm sống

(Dân trí) - Tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu TW có trên 2.000 người bệnh đang điều trị và cần truyền máu định kỳ suốt đời. Với người bệnh, người hiến máu chính là người đã cho họ sống, để mỗi người bệnh tiếp tục nỗ lực trở thành người sống tự lập, sống có ích dù cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh.

Nửa tháng chạy xe ôm, nửa tháng đi truyền máu

Anh Hà Văn Vương (Thanh Hóa) đang theo học ngành điều dưỡng thì một biến cố ập đến. Năm 20 tuổi, anh bị những cơn sốt cao kéo dài hành hạ, đi hết viện này đến viện khác và phải dừng việc học ở trường.

Lúc này anh mới biết mình mắc bệnh tan máu bẩm sinh, lẽ ra anh cần phải truyền máu định kỳ từ khi còn nhỏ.

Để có tiền đi viện theo đúng hẹn, năm 2017, anh khăn gói lên Hà Nội. Anh bắt đầu cuộc sống bằng công việc đi ship trứng, ship đồ ăn, bán nước mía. Bây giờ, anh gắn bó với công việc xe ôm ở viện Huyết học - Truyền máu TW, nơi anh đang điều trị định kỳ hàng tháng.

Những ngày đầu anh Vương đi ship trứng.
Những ngày đầu anh Vương đi ship trứng.

Là người đến sau, anh không được đứng ở cổng chính của viện mà phải chờ khách ở cổng sau, nơi có ít bệnh nhân cần đi xe ôm hơn.

Cùng trong nhóm người bệnh làm xe ôm với anh Vương còn có 2 người bệnh tan máu bẩm sinh nữa là anh Nguyễn Văn Khởi và anh Hà Quang Nga. Nếu như người bình thường có thể đi làm cả tháng thì các anh ngày thì đi làm, ngày lại đi viện.

Riêng anh Vương cứ 15 ngày đi chạy xe ôm thì 10 ngày anh lại nằm viện và truyền máu. Mức thu nhập ít ỏi để duy trì cuộc sống nhưng anh vẫn bằng lòng với công việc vất vả, dãi dầu nắng mưa này vì: “Chạy xe ôm thời gian thoải mái, tôi có thể vừa đi làm, vừa đi viện đều đặn. Từ một năm nay bố mẹ không phải chu cấp cho tôi nữa. Nhà có 2 anh em cùng mắc bệnh, ngày trước bố mẹ toàn phải vay tiền cho anh em tôi đi điều trị. Nhưng một năm tôi chỉ ra viện được 3-4 lần nên cũng không có sức để làm được việc gì. Giờ ở gần viện rồi tháng nào tôi cũng được truyền máu, sức khỏe ngày càng tốt hơn”, anh Vương chia sẻ.

Khát vọng sống

Đến nay anh Vương đã truyền hàng trăm đơn vị máu. Anh Khởi, anh Nga cũng nhờ có nguồn máu hiến mà có thể duy trì cuộc sống và còn có thể lao động bằng chính sức mình.

Tuy rằng mức thu nhập chẳng để dư ra được chút nào, biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh mỗi ngày một nhiều hơn. Nhưng khát vọng sống vẫn cháy bỏng bên trong các anh.

Một tháng, cứ 10 ngày các anh lại phải nằm viện truyền máu.
Một tháng, cứ 10 ngày các anh lại phải nằm viện truyền máu.

Anh Hà Văn Vương đã có những dòng thư gửi mẹ: “Nếu lỡ may con mất trước mẹ. Làm sao mẹ chịu được đây? Con chưa làm được gì được cho mẹ, cho gia đình, cho những người con thương. Nhưng có ai biết được người ra đi cũng đau khi biết mình sẽ từ bỏ tất cả những gương mặt thân thương mà biết rằng mình không bao giờ gặp được nữa, đau vì biết rằng mình sẽ làm họ đau theo. Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau chia xa, xa người thân của mình vĩnh viễn”.

15 ngày rảnh rỗi tranh thủ làm xe ôm kiếm sống nhưng cũng rất khó khăn, bởi ảnh hưởng của căn bệnh tan máu bẩm sinh khiến các anh rất bé nhỏ. Khách đi xe ôm chủ yếu là người quen, người đang điều trị tại BV biết được hoàn cảnh của các anh.
15 ngày rảnh rỗi tranh thủ làm xe ôm kiếm sống nhưng cũng rất khó khăn, bởi ảnh hưởng của căn bệnh tan máu bẩm sinh khiến các anh rất bé nhỏ. Khách đi xe ôm chủ yếu là người quen, người đang điều trị tại BV biết được hoàn cảnh của các anh.

Căn bệnh Tan máu bẩm sinh khiến những người bệnh có nước da đen sạm, gương mặt nhiều người bị biến dạng, nhưng bên trong vẻ ngoài xù xì ấy vẫn là những trái tim biết yêu thương, luôn cố gắng vượt qua bệnh tật để lao động và khát khao được sống.

Và người đã tiếp thêm nguồn sống để những người bệnh như anh Vương được tiếp tục ở bên những người thân yêu chính là những người hiến máu. Đối với các anh, người hiến máu chính là “người đã cho tôi cuộc sống, cho tôi thêm thời gian để đi tiếp trên con đường đời dài bất tận”.

Bài và ảnh: Thanh Hằng