Những người khoái… đốt nhà!
Có những bệnh nhân mắc phải chứng “xung động đốt nhà”, một chứng bệnh đáng sợ bởi đe doạ cả bệnh nhân lẫn người chung quanh.
Có cháy mới vui
Xung động đốt nhà là một rối loạn kiểm soát xung động, cố ý gây cháy để làm giảm căng thẳng. Người có xung động đốt nhà là người bị ám ảnh với việc phóng hoả đốt tài sản.
Những đặc điểm chính của xung động đốt nhà: hơn một lần gây hoả hoạn có chủ đích; cảm thấy căng thẳng hoặc rất kích thích trước khi phóng hoả; bị lôi cuốn, thích thú, tò mò vào đám cháy hoặc các đồ vật, con người, các hoạt động tham gia chữa cháy; cảm thấy sung sướng, hài lòng khi phóng hoả hoặc khi chứng kiến đám cháy, khi tham gia giải quyết hậu quả.
Không có những thông tin rõ ràng về tần suất của xung động đốt nhà. 2-5% bệnh nhân tâm thần nội trú là những người đốt nhà. Bệnh thường gặp ở nam giới (90%) hơn. Đỉnh tuổi của rối loạn này là 13. Rất nhiều bệnh nhân có xung động đốt nhà xuất thân từ các gia đình thiếu hụt về mặt tình cảm và kinh tế.
Vì sao họ muốn đốt nhà?
Căn nguyên của xung động đốt nhà vẫn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ. Theo Sigmund Freud, lửa là biểu tượng của tính dục, hơi ấm toả ra từ lửa gợi lên cảm giác tương tự trạng thái kích thích về tình dục. Các nhà trị liệu liên tưởng xung động đốt nhà với sự khao khát, thèm thuồng quyền lực và uy thế xã hội. Một số bệnh nhân có xung động đốt nhà lại là những người chữa cháy tình nguyện. Họ đốt nhà để chứng tỏ sự can đảm, để bắt các người tham gia chữa cháy phải hành động hoặc để biểu hiện quyền lực trong việc dập tắt ngọn lửa.
Hành động dập lửa là một cách trút sự giận dữ chồng chất do những hụt hẫng gây ra bởi sự thấp kém về mặt xã hội, thể chất hoặc tình dục. Một vài nghiên cứu đã lưu ý cha của các bệnh nhân này thường vắng mặt ở nhà, hành vi phóng hoả là biểu hiện cho ước mơ người cha vắng mặt trở về cứu nguy, dập tắt lửa và cứu trẻ khỏi những khó khăn hiện có. Ngoài ra, người ta phát hiện nồng độ 3-Methoxy-4-hydroxyphenyl glycol (MHPG) và 5-Hydroxy indole acetic (5-HIAA) trong dịch não tuỷ thấp rõ rệt trong số bệnh nhân phóng hoả.
Biểu hiện lâm sàng của xung động đốt nhà
Bệnh nhân thường cân nhắc, có kế hoạch chuẩn bị trước khi phóng hoả. Người có xung động đốt nhà có thói quen đi xem đám cháy, thường báo động cháy giả và biểu hiện sự thích thú với các vật dụng chống lửa. Tính tò mò trên bệnh nhân này rất rõ rệt. Họ thường không biểu hiện sự ăn năn hối tiếc mà có thể bàng quan với hậu quả mất mát về tài sản, thương tổn hoặc thậm chí chết chóc do hoả hoạn. Những người này có thể thoả mãn với kết quả phá hoại, cảm thấy thích thú khi đọc những thông tin về những hậu quả do mình gây ra. Họ thường để lại manh mối rõ ràng.
Người trẻ dễ điều trị hơn
Tiên lượng cho các trẻ được điều trị là tốt, có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng đối với người lớn tiên lượng phải dè dặt vì họ thường phủ nhận hành động của mình, từ chối trách nhiệm, thiếu sự hiểu biết về tình trạng bệnh tật và thường kèm lệ thuộc rượu.
Chương trình can thiệp sớm đối với người phóng hoả ở tuổi vị thành niên đã được báo cáo là thành công trong việc ngăn cản tái diễn. Khi làm việc với các bệnh nhân này, các nhà điều trị phải thường xuyên cảnh giác nguy cơ gây hại cho các thành phần thứ ba. Do vậy bất cứ chương trình điều trị nào cũng nên bao gồm việc giám sát các bệnh nhân để phòng ngừa tái diễn. Cách ly có lẽ là phương pháp duy nhất để phòng ngừa.
Điều trị hành vi được thực hiện nhằm mục đích hướng sở thích của bệnh nhân khỏi hành vi phóng hoả và thay thế hành vi này bằng các hình thức khác được xã hội chấp nhận để làm dịu đi sự căng thẳng.
Cha mẹ cần dành thời gian giáo dục con cái về an toàn trong phòng cháy nổ và sự nguy hiểm của hoả hoạn. Nên để tất cả các thiết bị gây cháy ra khỏi tầm tay của trẻ để giảm nguy cơ phóng hoả.
Theo BS. CK2 Phạm Quỳnh Diệp
Sài Gòn tiếp thị