Những người có “thâm niên” ăn Tết bệnh viện

(Dân trí) - Bệnh nhân phải ăn Tết ở viện cũng là họa hoằn, quá lắm cũng chỉ một vài lần trong đời. Nhưng với y bác sĩ, ăn Tết BV đã thành... quen. Thời điểm Giao thừa hay mùng 1 Tết đều có y bác sĩ túc trực trong viện, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Thường xuyên vắng nhà đêm giao thừa

“Nếu như ở bệnh viện còn 01 bệnh nhân phải ở lại điều trị trong dịp Tết, thậm chí không còn bệnh nhân nào thì bác sĩ, y tá, các khoa ngành khác của bệnh viện vẫn phải có người trực, để sẵn sàng cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân. Vì thế, đã làm ngành y, bất cứ ai cũng đã nhiều lần đón giao thừa, trực trọn ngày mùng 1, mùng 2 Tết trong bệnh viện, kể cả nhà chỉ cách đó vài bước chân”, BS Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi T. Ư tâm sự.

Với các bác sĩ, trực Tết ở bệnh viện mãi cũng thành quen thành ra dù là ngày Tết cũng thấy như bao ngày trực thông thường khác. Chỉ có điều, không đông đúc, tấp nập bệnh nhân như ngày thường. Gia đình cũng đã quen với sự vắng mặt của họ trong những thời khắc quan trọng của năm mới.

BS Hợp cho biết: "Lượng bệnh nhân ngày Tết không nhiều bằng những ngày thường nhưng lực lượng bác sĩ, y tá trực Tết tại các khoa là trên 200 người (đông gấp hai là lần so với ngày trực thường) để kịp thời cấp cứu, chăm sóc và điều trị cho các cháu không may ốm đau, tai nạn trong những ngày Tết".

Có thể nói, trong những ngày Tết, bác sĩ trực ở TT Chống độc, BV Bạch Mai là vất vả, căng thẳng nhất. Năm nào cũng thế, liên tục có bệnh nhân say, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn... phải vào cấp cứu trong mấy ngày Tết. BS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc TT tâm sự: "Có khi phiên trực cả đêm phải thức trắng, luôn tay, luôn chân cấp cứu bệnh nhân. Nhiều khi hết phiên trực, vừa giao ca xong, đã thay đồ để chuẩn bị về nhà thì lại ca bệnh mới. Khi có, cả bác sĩ hết ca trực lẫn bác sĩ mới đến lại lao vào cấp cứu ngay cho người bệnh".

Tại Bệnh viện Việt Đức, BS Nguyễn Văn Thạch, Phó GĐ Bệnh viện, cho biết: "Các bác sĩ, y tá trực trong những ngày Tết luôn phải làm việc rất căng. Bất kể đêm 30 hay mùng 1 Tết thì bệnh viện vẫn phải thường xuyên phải cấp cứu các ca tai nạn giao thông nên những ngày nghỉ Tết, bệnh viện vẫn bố trí gần 200 cán bộ trực. Tất cả các bác sĩ giỏi của những chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình, Hồi sức tích cực, Lồng ngực tim mạch… luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng khi có yêu cầu.

Bác sĩ - bệnh nhân: Gần nhau hơn

Những người có “thâm niên” ăn Tết bệnh viện - 1

BS Dũng luôn rất ân cần với các bệnh nhân nhí (Ảnh: Hồng Hải)
Những ngày này, bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng đã chuẩn bị nghỉ Tết. Lịch trực cũng được lên, nhiều bệnh nhân phải bùi ngùi ở lại ăn Tết bệnh viện vì sức khoẻ của họ chưa được ổn định.

BS Tạ Văn Bình, Giám đốc bệnh viện, tâm sự: "Để chuẩn bị cho các bệnh nhân về Tết, bác sĩ, y tá đều phải dặn dò người bệnh rất chu đáo. Như với người bệnh đái tháo đường, ngoài dặn dò họ chế độ ăn trong ngày Tết còn phải nhắc họ những cái nhỏ nhất như phải cắt móng tay, móng chân như thế nào. Vì chỉ một vết xước nhỏ cũng sẽ rất nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường.

Ngày thường, bác sĩ đều bận túi bụi, ngoài thăm khám sức khoẻ, chẳng mấy khi có cơ hội chuyện trò, hỏi han tình hình người bệnh. Trong những ngày Tết tại bệnh viện, họ mới có cơ hội gần nhau hơn. Nhiều bác sĩ còn có thời gian chơi với các em nhỏ, dọa làm “ngáo ộp”, “ông râu dài”, chọc cười... để dỗ dành những bệnh nhân nhí lười ăn.

“Đêm Giao thừa năm nào các bác sĩ trực cũng cùng ban lãnh đạo bệnh viện đến chúc Tết, trao quà cho các bệnh nhân. Bác sĩ ăn Tết bệnh viện mãi thành quen còn bệnh nhân thì không thế. Nhất là với các bệnh nhi, luôn có hai trạng thái đối lập giữa các em và người thân đi thăm nom. Các em thì hò reo vui sướng khi được nhận cái bánh chưng, hộp mứt, cân giò, còn phụ huynh thì lặng lẽ nước mắt tuôn trào vì lo cho bệnh tình của con, lo cho những ngày sắp tới, lo cho những đứa con ở nhà sẽ có một cái Tết thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai tâm sự.

Rất nhiều gia đình đã cảm động không nói lên lời khi nhận được món quà từ bệnh viện. Bánh chưng, mứt kẹo được bóc ra, cả bác sĩ cùng bệnh nhân đón một cái Tết đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng, gần gũi.

Còn tại bệnh viện Nhi T.Ư, bác sĩ Hợp cho biết: "Những ngày Tết, đối với những trường hợp bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Bệnh viện Nhi miễn phí toàn bộ tiền ăn. Đối với những cháu không may mắn phải ở lại điều trị thì bệnh viện sẽ cố gắng lo đủ cho mỗi cháu một chiếc bánh chưng, giò, mứt và bánh kẹo. Đó chỉ là một món quà nho nhỏ, mừng tuổi đầu xuân, chúc các bé nhanh lành bệnh để trở về sum họp cùng gia đình.

Hồng Hải