Những người bận rộn thường minh mẫn hơn khi về già

Bận rộn không phải luôn là một lựa chọn - nhưng nó không nhất thiết là một điều xấu. Những người bận rộn có thể có bộ não hoạt động tốt hơn khi về già so với những người nhàn nhã hơn, các nhà khoa học đã gợi ý như vậy.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Một lối sống bận rộn lành mạnh có liên quan với cải thiện cải thiện chức năng nhận thức, đặc biệt là với trí nhớ làm việc, lý luận và từ vựng. Tuy nhiên, chưa rõ liệu chức năng của não tăng lên là do quá bận rộn, hay ngược lại.

Tổng cộng 330 người tình nguyện ở độ tuổi từ 50 - 89 đã trả lời bảng câu hỏi trong nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience. Các đối tượng cũng hoàn thành một loạt bài test tâm thần kinh để đánh giá khả năng nhận thức.

Denise Park, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết bà đã rất ngạc nhiên khi thấy có quá ít nghiên cứu về vấn đề này, trong khi quá bận rộn "có vẻ là một thực tế của cuộc sống hiện đại".

Và tuy nghiên cứu không bị ảnh hưởng bởi trình độ học vấn và tuổi của đối tượng, song có mối liên quan giữa lối sống bận rộn và tốc độ xử lý vượt trội của não, trí nhớ làm việc, lý luận và từ vựng. Đặc biệt, có mối liên quan mạnh mẽ giữa sự bận rộn và trí nhớ - cụ thể là khả năng nhớ một số sự kiện trong quá khứ.

Sara Festini, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi thấy những người có mức độ bận rộn hàng ngày cao hơn thường minh mẫn hơn, nhất là về khả năng ghi nhớ những thông tin mới học được".

Tuy nhiên, kết quả đặt ra thêm nhiều câu hỏi - chẳng hạn liệu bận rộn cải thiện chức năng nhận thức hay là những người có đặc điểm thần kinh nổi trội chỉ đơn giản là những người bận rộn.

Các nhà nghiên cứu đưa ra một giả thuyết khác: Đó là những người bận rộn, do tính chất lối sống của họ, có nhiều cơ hội để học hỏi thông qua các tình huống đa dạng mà họ lâm vào, và kết quả là nhận thức được kích thích.

"Cuộc sống bận rộn có vẻ có lợi cho chức năng tâm thần, mặc dù cần có những nghiên cứu thực nghiệm để xác định xem liệu đối phó với sự bận rộn có tác dụng tương tự hay không," TS Festini nói.

Trong khi quá bận rộn có thể dẫn đến những tình trạng như stress mãn tính, nhiều chuyên gia khác đã ủng hộ quan điểm cho rằng mức độ bận rộn “lành mạnh” cũng có thể quan trọng đối với sức khỏe tâm thần. Các bác sĩ thường hướng dẫn bệnh nhân bị trầm cảm giữ cho mình bận rộn để xao nhãng khỏi căn bệnh.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng, TS Nikki Webber phát biểu: "Cô lập là một yếu tố hàng đầu góp phần gây trầm cảm, và lối sống bận rộn có thể mang lại nhiều cơ hội để kết nối với những người khác, và nhiều người đánh giá thấp sự cần thiết của việc này".

Cẩm Tú

Theo Independent