Những lý do khiến cân nặng khó giảm
(Dân trí) - Nếu bạn thấy mình đã nỗ lực hết sức mà cân nặng chẳng mấy suy chuyển thì hãy thử xem liệu có những thứ gì đang "kỳ đà cản mũi" bạn không nhé:
1. Thời gian ngủ không hợp lý
Nếu bạn có thể ngon giấc 9 tiếng một đêm thì xin chúc mừng, đang có nhiều người khác phải ganh tị với bạn, nhưng ngủ quá nhiều hoặc quá ít (dưới 5 tiếng 1 đêm) có thể khiến bạn tăng cân. Cả việc ngủ quá giấc lẫn thiếu giấc đều khiến hóoc môn kiểm soát sự thèm ăn mất cân bằng. Và khi cảm thấy không khoẻ, bạn cũng sẽ không bỏ tập thể dục.
2. Không uống đủ nước
Hai đến sáu cốc nước lọc mỗi ngày có thể giúp bạn giảm thêm vài cân. Nước lọc không hề chứa calo, vì vậy nó giúp thoả mãn cơn khát mà không làm tăng cân. Hơn nữa khi cơ thể được cung cấp đủ nước, bạn sẽ ít thèm nước ngọt, nước quả hay cà phê hơn. Lượng calo lớn trong các loại nước ngọt là một trong những lý do khiến cân nặng tăng nhiều.
3. Thời gian giữa các bữa ăn quá dài
Khi khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài, sự trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại và cơ thể sẽ không thể đốt cháy tất cả số calo được nạp vào trong bữa ăn tiếp theo. Lượng calo thừa sẽ dần trở thành số cân thừa. Hơn nữa bạn có thể ăn quá nhiều vì quá đói. Hãy cố gắng ăn những phần nhỏ hơn và ăn nhiều bữa hơn.
4. Thường xuyên ăn hàng
Đúng là bạn có thể ghét nấu ăn, nhưng sẽ khó có thể kiểm soát cân nặng của mình nếu phần lớn các bữa ăn là ở ngoài hàng. Thậm chí những món được gọi là nhẹ phục vụ trong các nhà hàng cũng chứa nhiều calo hơn bạn nghĩ. Và chúng ta không chỉ nói về bữa tối. Những người có thói ăn trưa ngoài hàng có thể dễ dàng tăng tới 2,5 kg so với những người chuẩn bị đồ ăn từ nhà.
5. Ngồi suốt ngày
Công việc bàn giấy hay sở thích xem phim có thể khiến bạn khó giảm số cân dưa thừa hơn. Khi dành phần lớn thời gian để ngồi, cơ thể mất dần khả năng nhận biết khi chúng ta ăn quá nhiều, dẫn đến ăn uống quá độ và tăng cân. Giờ giải lao để vận động dù ngắn trong ngày cũng có thể giúp bạn giữ gìn sức khỏe. Hãy đứng dậy và đi lại khoảng 10 phút trước giờ họp hoặc trước chương trình yêu thích.
6. Tự thưởng cho mình đồ ăn sau khi tập thể dục
Tập thể dục là một cách rất tốt để giảm cân – nó đốt cháy calo và bồi đắp khối cơ. Tuy nhiên nếu bạn ăn bữa tối thịnh soạn hoặc uống sinh tố sau mỗi lần tập, bạn có thể khiến việc tập luyện đổ xuống sông xuống biển. Cũng hãy cẩn thận với các loại nước uống thể thao nhiều đường và các thanh protein. Chúng có thể giúp bạn hết mệt hoặc hết khát ngay sau khi tập, nhưng đồng thời chúng cũng chứa rất nhiều calo.
7. Uống nhiều bia rượu
Dù bạn thích bia, rượu hay đồ uống pha trộn, rượu chứa calo làm tăng lượng calo hàng ngày. Nếu bạn uống từ 3 ly trở lên mỗi ngày, bất kể là loại đồ uống có cồn nào, bạn dễ tăng cân hoặc trở nên thừa cân hơn. Hãy uống ít hoặc vừa phải, như một ly rượu vang trong bữa tối. Điều này thực sự sẽ giúp bạn tránh tăng cân.
8. Ăn khi bị stress
Nếu cảm thấy căng thẳng, bạn sẽ dễ chiều chuộng cơ thể bằng các món đồ ăn vặt nhiều calo, không tốt cho sức khoẻ. Bạn có thể ăn khi không thực sự thấy đói.
9. Vội vã quyết định về đồ ăn
Nên dành một khoảng thời gian để lên kế hoạch cho các bữa ăn của mình, như vậy bạn sẽ không bị quyến rũ bởi việc mua đồ ăn sẵn. Cho dù chăm chỉ luyện tập, bạn vẫn có khả năng tăng thêm một đến hai cân nếu ăn đồ ăn nhanh, đồ ngọt hoặc nước có ga. Cơ thể không đối xử với những calo này giống như năng lượng từ những thực phẩm lành mạnh – nó tiêu hóa chúng quá nhanh. Đồ ăn nhanh cũng ít chất xơ, vì vậy bạn không thấy cảm thấy no sau đó, dẫn đến việc tiếp tục ăn hoặc uống thêm.
10. Tuyến giáp “đình công”
Nếu tuyến nhỏ nằm ở trước cổ họng này “đình công”, bạn thể tăng hai đến bốn cân. Tuyến giáp tạo ra những hóoc môn giúp kiểm soát năng lượng và cách giáng hsoa thức ăn. Nếu không có đủ hóoc môn này, bạn sẽ khó giảm cân. Bạn cũng có thể cảm thấy đầy bụng bởi cơ thể tích quá nhiều muối và nước. Nếu nghĩ rằng mình có vấn đề về tuyến giáp, hãy đến gặp bác sĩ. Thuốc có thể giúp ích.
11. Mang thai
Tăng cân khỏe mạnh trong thời kì mang thai là điều tốt. Nếu bạn có cân nặng trung bình trước khi mang thai thì việc tăng 11 đến 15 kg là bình thường. Hãy chọn những thực phẩm nguyên như trái cây, rau, ngũ cốc và protein để nuôi dưỡng cả bạn và em bé trong bụng.
12. Thuốc
Một số loại thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe khác có thể khiến cân nặng tăng lên đôi chút. Ví dụ như corticoid có thể thay đổi chuyển hóa trong cơ thể và khiến bạn cảm thấy đói hơn - dẫn đến việc ăn quá nhiều và tăng mỡ bụng. Thậm chí các thuốc kháng histamin điều trị dị ứng cũng có thể gây tăng cân. Chúng làm giảm một chất được cơ thể sản sinh ra để kiểm soát sự thèm ăn, khiến bạn ăn nhiều hơn.
13. Đang trong thời kì mãn kinh
Như đa phần phụ nữ khác, cân nặng của bạn có thể tăng chút đỉnh trong thời kì mãn kinh. Thay đổi hoóc môn, giảm khối cơ và ngủ quá ít có thể góp phần gây tăng cân. Nếu bạn cảm thấy mệt khi ngủ dậy, bạn sẽ dễ muốn ăn gì đó nạp thêm năng lượng trong ngày. Gen cũng có thể khiến bạn dễ “hết hơi sức hơn”.
14. Đi khám bác sĩ
Một số vấn đề về sức khoẻ sẽ khiến bạn khó giảm cân dù ăn uống và thể dục đầy đủ. Gen cũng đóng vai trò trong việc bạn cân nặng bao nhiêu hay tích trữ mỡ ở đâu. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thấy cân nặng của mình không hề giảm. Việc kiểm tra có thể cho biết liệu bạn có vấn đề gì về sức khoẻ khiến khó giảm cân và liệu bạn có cần thuốc hoặc những trợ giúp khác để vượt qua khó khăn.
Cẩm Tú
Theo WebMD