1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những lợi ích bất ngờ khi ăn ớt cay

Nam Phương

(Dân trí) - Ớt là một loại gia vị và được xem như là một loại rau quả, với vị cay nồng nóng và thường xuất hiện trong các bữa ăn của người Việt. Chúng chứa một hỗn hợp alkaloid có ích cho sức khỏe.

Trong ớt có rất nhiều các chất như vitamin, khoáng chất, hợp chất, vi lượng… và nhiều thành phần khác. Các loại ớt nói chung đều có chứa một hỗn hợp alkaloid có ích cho sức khỏe, chất capsaicin mang lại vị cay hăng mạnh mẽ.

Ngoài ra, trong trái ớt có vitamin A, vitamin C và các chất flavonoid như sắc tố vàng beta, alpha, lutein, zeaxanthin, và cryptoxanthin.

Ớt cũng chứa một lượng khoáng chất phong phú như kali, mangan, sắt, và magiê. Trong ớt cũng có một nhóm vitamin B phức hợp phong phú chẳng hạn như niacin, pyridoxine (vitamin B-6), riboflavin và thiamin (vitamin B-1). Ngoài công dụng làm gia vị trong các bữa ăn, ớt còn có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe. 

Những lợi ích bất ngờ khi ăn ớt cay - 1

Ớt cung cấp cho cơ thể một chất chống viêm mạnh (Ảnh: Shutterstock).

Ớt và hạt tiêu giúp tăng hấp thu chất béo, tăng chỉ tiêu năng lượng, giảm sự thèm ăn… Có thể sử dụng một lượng vừa đủ để điều trị viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, nghiên cứu được công bố trên Experimental Biology cho thấy chất capsaicin có trong ớt cay có thể làm chậm sự lan tràn của ung thư phổi. Sau khi thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy rằng capsaicin ngăn chặn các tế bào ung thư di chuyển đến các mô khác.

Chống ung thư không phải là tác dụng tích cực duy nhất của việc ăn ớt cay. Bạn còn có thể nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ loại gia vị này.

Theo PGS Đào, capsaicin có thể làm giảm tác dụng của đau đầu cụm, đau nửa đầu và đau đầu xoang. Chất này phong bế chất P, một neuropeptide gửi tín hiệu đau đến não.

Ớt cung cấp cho cơ thể một chất chống viêm mạnh. Các chuyên gia coi capsaicin là một thuốc có thể chữa khỏi viêm khớp, bệnh vẩy nến và bệnh thần kinh đái tháo đường vì nó ngăn chặn chất P, có liên quan đến các quá trình viêm.

Ngoài ra, thực phẩm cay có thể giúp cải thiện các triệu chứng lạnh do có chứa capsaicin, thành phần hoạt tính sinh học trong ớt. Capsaicin phá vỡ chất nhầy, có thể giúp giảm ho và đau họng. Tuy nhiên, capsaicin cũng làm tăng sản xuất chất nhầy, gây chảy nước mũi nhiều hơn.

Thực phẩm cay có thể làm tăng tuổi thọ của biểu mô niêm mạc mũi họng từ đó giảm hiện tượng viêm họng mạn tính teo. Một nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc cho thấy những người ăn thực phẩm cay 6-7 lần một tuần có nguy cơ viêm họng mạn thấp hơn 14% so với những người ăn thực phẩm cay ít hơn một lần một tuần. 

Nghiên cứu cũng cho thấy, người dùng thường xuyên thực phẩm cay như ớt tươi và ớt khô giúp các tuyến tiết nhày nằm dưới lớp biểu mô hô hấp vùng mũi họng thường xuyên tăng tiết, tránh bám dính của dịch từ xoang chảy xuống hoặc dịch trào ngược từ dạ dày lên.

Từ đó, nó có tác dụng giảm tác động của axit có trong dịch dạ dày và vi khuẩn có trong dịch xoang tác động trực tiếp vào niêm mạc họng giúp giảm tần suất và mức độ viêm.

Giống như hầu hết các loại rau, chất có vị cay được coi là chất chống oxy hóa mạnh, giúp phòng chống ung thư vòm, ung thư hạ họng, ung thư thanh quản…, giảm tình trạng khô mạch vùng mũi họng từ đó giảm hiện tượng chảy máu mũi trong mùa khô, lạnh.

Tuy nhiên, thực phẩm cay làm tăng cảm giác buồn nôn và đau dạ dày. Điều này ảnh hưởng tới sự tái phát của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, từ đó làm tăng biểu hiện của bệnh họng và thanh quản do trào ngược.

Vì thế, để cân bằng các tác dụng có lợi và các phản ứng bất lợi của thực phẩm có vị cay, bạn hãy lắng nghe cơ thể của bạn khi ăn để điều chỉnh lượng phù hợp.