Những loại rau người Việt thích mê có thể là "ổ sán"

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiễm giun sán do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là sở thích ăn rau sống là một thực trạng đáng báo động hiện nay.

Những loại rau dễ nhiễm giun sán

BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm giun sán do thói quen sinh hoạt hàng ngày, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Các trường hợp này thường sẽ cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau.

Những loại rau người Việt thích mê có thể là ổ sán - 1

Các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh (Ảnh: Getty).

"Ngoài một số loại xâm nhập qua da, đa phần giun sán lây truyền qua con đường ăn uống. Nguyên nhân phổ biến là do bệnh nhân ăn thức ăn chưa được nấu chín kỹ hoặc thực phẩm không hợp vệ sinh có chứa trứng hoặc ấu trùng sán thì có thể nhiễm bệnh", BS Thiệu cho hay.

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh.

"Nhiều người có thói quen ăn sống các loại rau này hoặc nhúng lẩu sơ qua chưa chín kỹ để rau giữ được độ giòn. Thế nhưng cách làm này khiến các loại sán ký sinh trong rau chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ nhiễm sán", BS Thiệu phân tích.

Sán lá ruột là loại sán lá nhỏ ký sinh trong ruột ở người và một số gia súc, đặc biệt phổ biến ở loài lợn.

Sán ký sinh trong ruột đẻ trứng và trứng sán theo phân ra ngoài làm nhiễm bẩn các nguồn nước. Sau một thời gian, ấu trùng hình thành, phát triển trong trứng, phá vỡ vỏ trứng ra ngoài tìm ốc để ký sinh.

Sau khi vào ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có đuôi. Lúc này chúng lại bỏ ốc, sống bám vào một số cây thủy sinh như: bèo, ngó sen, củ niễng… và các thực vật mọc dưới nước.

"Người nhiễm sán lá ruột thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ. Ở giai đoạn phát bệnh, bệnh nhân có thể thấy sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy thất thường, phân lỏng có nhiều chất nhầy lẫn nhiều thức ăn không tiêu.

Tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đau bụng thường đau ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em", BS Thiệu cho hay.

Trong khi đó, sán lá gan lớn cũng có thể dẫn đến nhiều tình trạng bệnh nguy hiểm. Khi nhiễm sán lá gan lớn, sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ giải phóng ra các ấu trùng.

Các ấu trùng này xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan.

Từ thực tế này, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần đảm bảo ăn chín uống sôi. Đặc biệt với các loại rau thủy sinh không nên ăn sống, ăn tái mà cần nấu chín kỹ để loại trừ nguy cơ nhiễm sán ký sinh.

Bên cạnh đó cần chú ý đảm bảo xử lý phân, nuôi nhốt vật nuôi tránh thả rông, rửa rau sạch và ngâm nước muối pha loãng (có thể làm trứng giun sán chết hoặc hư hỏng trong môi trường nước muối).

Dấu hiệu cảnh báo nhiễm sán

Khi vào cơ thể, ấu trùng bám vào ruột non, ký sinh và trưởng thành ở đấy. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.

Khi mắc sán, bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, sức khỏe giảm sút… Khi bệnh toàn phát, người bệnh bị đau bụng kèm theo tiêu chảy. Phân lỏng, không có máu, nhưng nhày và có lẫn nhiều thức ăn không tiêu.

Bệnh nhân thường đau bụng ở vùng hạ vị, đau kèm theo tiêu chảy và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội. Nếu người bệnh có nhiều sán và không được điều trị, bệnh sẽ ngày càng nặng, có thể bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng và chết trong tình trạng suy kiệt.

"Khi thấy các dấu hiệu cảnh báo kể trên, bệnh nhân cần đi khám ngay. Phát hiện bệnh và điều trị sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn, tránh các biến chứng không mong muốn", BS Thiệu nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm