Những lầm lẫn trong ngoại khoa

Không phải chỉ có những thầy thuốc mới ra trường mắc phải những sai lầm này mà ngay cả những thầy thuốc giàu kinh nghiệm đều có vài lần đã phải mổ sai.

Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, những sai lầm trong chẩn đoán và điều trị những bệnh ngoại khoa có giảm đi đáng kể.

 

Viêm phần phụ, u nang buồng trứng xoắn nhầm với viêm ruột thừa


Viêm phần phụ, u nang buồng trứng xoắn nhầm với viêm ruột thừa

 

Đây là trường hợp điển hình nhất trong việc chẩn đoán nhầm lẫn, có nhiều trường hợp phải mổ ra mới biết là không phải viêm ruột thừa. Vì viêm phần phụ, nhất là phần phụ bên phải bệnh nhân cũng có đau vùng hố chậu phải, cũng có sốt, ấn hố chậu phải cũng đau nhảy nhổm lên và khó nhất là khi siêu âm, nếu bác sĩ chưa đủ kinh nghiệm, bụng bệnh nhân có nhiều hơi thì rất có khả năng nhầm lẫn. Chính vì vậy, khi bệnh nhân nữ có đau hố chậu phải cần phải khám thêm phụ khoa nếu có nghi ngờ giữa viêm ruột thừa và u nang buồng trứng xoắn hay viêm mủ phần phụ.

 

Để tránh sự nhầm lẫn trong ngoại khoa, cần sự khám và hỏi bệnh tỉ mỉ, cho làm đủ các xét nghiệm cần thiết

 

Viêm túi mật cấp với viêm dạ dày

 

Bệnh nhân có đau hạ sườn phải và thượng vị kèm theo ói mửa nhiều. Tiền căn viêm loét dạ dày thì rất khó chẩn đoán là viêm túi mật hay viêm dạ dày cấp. Nhất là nếu bệnh nhân khôn có sốt. Ngày trước hay ngay cả bây giờ với một số cơ sở y tế thiếu máy siêu âm, nhân viên y tế khám chưa kỹ và không cho làm siêu âm trong cấp cứu thì rất dễ bỏ qua căn bệnh viêm túi mật cấp do sỏi túi mật.

 

Chỉ đến khi túi mật có mủ vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì mới chẩn đoán ra thì đã quá trễ cho việc điều trị. Chính vì vậy, trong những trường hợp này bệnh nhân nên nói rõ cho thầy thuốc các triệu chứng có liên quan đến sỏi túi mật như ăn khó tiêu, đau tức hạ sườn phải khi ăn có dầu mỡ nhiều và nhất là mạnh dạn từ bỏ quan niệm đau dạ dày là bệnh của tất cả mọi người dân Việt Nam.

 

Viêm đáy phổi nhầm với viêm phúc mạc

 

Trong cuộc đời hành nghề Y khoa, không dưới 10 lần chúng tôi gặp sự lầm lẫn trớ trêu này. Bệnh nhân thường có sốt, ho nhiều đi kèm. Có khi bệnh nhân đang được điều trị tại khoa hô hấp hay khoa nội của bệnh viện. Đột nhiêu đau bụng dữ dội, nhất là hai bên hạ sườn phải và trái sau đó lan ra khắp bụng.

 

Bác sĩ khám thấy có phản ứng phúc mạc và quyết định chuyển phòng mổ. Mở bụng ra với sự ngỡ ngàng là không hề có mủ trong khoang màng bụng, không có tổn thương nào được phát hiện. Sáng hôm sau, bệnh nhân được chụp X-quang phổi thấy tình trạng viêm phổi thùy dưới nặng. Sai lầm này có thể tránh được cũng bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang bụng và X-quang phổi trước khi quyết định phẫu thuật.

 

Thủng dạ dày với nhồi máu cơ tim

 

Bệnh nhân đau vùng thượng vị, đột ngột tăng lên dữ dội và lan lên ngực trái. Đau nhiều đến nỗi bệnh nhân không dám cử động. Nếu có kèm theo xuất hạn mồ hôi và ói mửa nhiều thì rất dễ chẩn đoán là thủng dạ dày nhất là khi bệnh nhên có tiền sử loét dạ dày. Tuy nhiên, cũng rất cần phải đo điện tim ngay cho bệnh nhân nhằm phát hiện những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thể dưới hoành. Tại TP.HCM, trong vài năm trước đã có một bác sĩ bị nhồi máu cơ tim lại tưởng mình bị viêm dạ dày sắp thủng, ra y lệnh cho điều dưỡng tiêm thuốc giảm đau và vị bác sĩ này bị chết liền sau khi tiêm thuốc gây ra bao nỗi oan ức cho anh điều dưỡng.

 

Nói chung để tránh cho việc lầm lẫn giữa các bệnh cần phải mổ tức điều trị ngoại khoa với các bệnh chỉ cần điều trị nội khoa thì rất cần sự khám và hỏi bệnh tỉ mỉ, cho làm đủ các xét nghiệm cần thiết, nhất là các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, việc làm này có thể thực hiện được hay không khi mà các bệnh như thế này thường đến trong tình trạng cấp cứu và phòng cấp cứu của tất cả các bệnh viện đều quá tải, áp lực đè nặng xuống đôi vai gầy của người thầy thuốc?

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

Sức khỏe & Đời sống