Những hiểu lầm về vệ sinh thực phẩm khi đi dã ngoại
(Dân trí) - Theo FDA Mỹ, số vụ ngộ độc thực phẩm thường tăng vọt trong thời điểm thường diễn ra những chuyến du lịch và cắm trại ngoài trời khi nhiều loại đồ ăn bị đặt dưới nắng nóng. Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến nhất về an toàn thực phẩm trong mùa hè.
Thức ăn sẽ an toàn trong thùng lạnh
Vi khuẩn gây bệnh có thể sống ở nhiệt độ 4,5 độ C, nếu nhiệt độ trong thùng lạnh cao hơn mức này thì các vi khuẩn gây bệnh sẽ bắt đầu sinh sôi. Để giữ thực phẩm tươi, trước hết hãy chất đồ ăn đầy khoảng 75% thùng lạnh; sau đó đổ đá hoặc để các túi đá đầy 25% còn lại.
Để thùng lạnh ở chỗ có điều hòa không khí (không để trong cốp xe nóng) và khi đến nơi hãy để thùng ở nơi có bóng râm và đậy kín nắp. Đặt một cái nhiệt kế giữa các món thực phẩm (chứ đừng đặt lên đá) để đảm bảo nhiệt độ luôn được giữ ở mức dưới 4,5oC.
Thức ăn sẽ an toàn ở nhiệt độ phòng trong vài giờ
Gà rán, bánh mì kẹp, khoai tây và salát là những món hay được chọn cho một buổi dã ngoại, song “tuổi thọ” của những món ăn này ít hơn bạn nghĩ nhiều. Ở nhiệt độ 32 độ C trở lên, bạn chỉ có thể giữ thực phẩm được khoảng 1 giờ. Ở nhiệt độ từ 4,5 - 32 độ C, bạn có giữ tối đa là 2 giờ. Nếu để lâu hơn, vi khuẩn gây bệnh sẽ bắt đầu sinh sôi nảy nở. Thay vì mất công theo dõi thời gian, hãy đặt chuông báo trên điện thoại để nhắc bạn khi nào cần bắt đầu đánh chén.
Ngộ độc thực phẩm không phải là vấn đề lớn
Điều này hoàn toàn không đúng. Ngộ độc thực phẩm khiến khoảng 48 triệu người mắc bệnh và 3000 người tử vong mỗi năm. Mức độ bị bệnh của mỗi người tùy thuộc vào loại vi khuẩn, lượng thức ăn đã ăn và sự mẫn cảm của từng cá thể. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai và những người có hệ miễn dịch bị suy giảm dễ bị bệnh và dễ bị những hậu quả lâu dài như suy thận và tổn thương thần kinh. Cho dù bạn ở độ tuổi nào và sức khỏe tốt đến đâu thì việc phải đối phó với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng chẳng dễ chịu gì, từ buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy kéo dài vài ngày đến nôn và mất nước.
Có thể để thức ăn thừa vài ngày trong tủ lạnh
Phần lớn các đồ ăn dã ngoại, như thịt hộp, thịt chế biến sẵn, thịt gà và salát mì ống có thể giữ an toàn tới 4 ngày trong hộp đậy kín để trong tủ lạnh. Sau đó vi khuẩn gây bệnh bắt đầu phát triển, mặc dù bạn không nhìn hoặc ngửi thấy chúng.
Nhưng nếu thực phẩm đã để ở ngoài quá 2 giờ, hoặc 1 giờ trong thời tiết nóng, thì bạn cần bỏ đi, thậm chí không nên mang chúng về nhà. Ghi ngày cất lên các hộp đựng thức ăn thừa và cất ở một ngăn của tủ lạnh để bạn có thể nhớ mang chúng ra dùng.
Thực phẩm ôi thiu sẽ có hình thức và mùi vị khó chịu
Ăn thức ăn ôi thiu sẽ làm bạn bị ngộ độc thực phẩm, nhưng bạn không thể nhận biết thực phẩm ôi thiu qua hình thức hay mùi vị. Nếu đồ ăn đã được để trong tủ lạnh từ buổi đi chơi tuần trước hoặc nếu bạn không nhớ được mình đã cất nó khi nào, thì hãy làm theo nguyên tắc cũ: đã nghi thì không dùng. Đặt nhiệt kế trong tủ lạnh để đảm bảo thực phẩm luôn được giữ ở dưới 4,5 độ C cũng là một cách khôn ngoan. Nếu nhiệt độ cao hơn thực phẩm sẽ nhanh bị hỏng hơn.
Nếu gọt vỏ thì không cần rửa
Không. Bạn phải rửa quả bơ, dưa chuột, dưa hấu và v.v… cho dù bạn gọt vỏ chúng. Dao gọt vỏ có thể mang những vi khuẩn như E. coli vào hoa quả khi nó cắt lát từ ngoài vào trong. Vì vậy cần rửa hoa quả dưới vòi nước chảy (không cần nước rửa chuyên dụng) trước khi cắt hoặc gọt vỏ.
Có thể để thực phẩm đã ướp trên bàn
Mặc dù nhiều loại đồ ướp có chứa những thành phần acid có tính diệt khuẩn như nước cốt chanh, song bất kỳ khi nào thực phẩm bị đặt ở nhiệt độ phòng thì vi khuẩn gây bệnh cũng phát triển nhanh chóng. Vì thế hãy để thực phẩm đã ướp trong tủ lạnh, và nếu dùng đồ ướp còn thừa từ trước, bạn nên đun sôi trước khi đổ nó vào thịt đã nấu chín.
Có thể rã đông thực phẩm ở ngoài
Bạn nghĩ có thể rã đông nhanh hơn bằng cách để thực phẩm đông lạnh ra ngoài, nhưng thực ra như vậy bạn cũng làm vi khuẩn mọc nhanh hơn. Vi khuẩn nhân lên với tốc độ báo động. Chúng có thể tăng vọt từ một lên một tỷ trong 24h. Thay vào đó, hãy rã đông bằng cách để thực phẩm trong ngăn mát qua đêm, trong lò vi sóng (sau đó nấu luôn) hoặc ngâm trong bồn nước lạnh. Nếu ngâm để rã đông, cần bọc kín thực phẩm trong túi nhựa và ngâm ngập trong nước lạnh, thay nước 30 phút một lần để nước luôn lạnh.
Anh Khôi
Theo MSN