1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những đồn đoán và hiểu biết sai về bệnh vảy nến

(Dân trí) - Liệu những tổn thương vảy nến có lây? Mắc bệnh vảy nến là do không sạch sẽ, hoặc do quá căng thẳng hay bị bức xúc thái quá?... là những câu hỏi thường gặp và câu trả lời cũng đôi khi sai lệch.

Vảy nến là một rối loạn xuất phát từ một khiếm khuyết thực thể tương tự các rối loạn khác như viêm khớp, hen suyễn, đái tháo đường hoặc cận thị. Điều rất quan trọng là giáo dục công chúng về bệnh vảy nến và không để cho những thông tin sai lệch lan tràn.

Những đồn đoán và hiểu biết sai về bệnh vảy nến - 1

Hiểu sai: “Vảy nến là bệnh lây”

Sự thật: Bệnh vảy nến, đặc biệt là thể trung bình hoặc thể nặng, rất dễ nhận thấy. Do sự tăng trưởng bất thường của tế bào da gây ra các mảng da dày, viêm đỏ, tróc vảy. Tuy nhiên, vảy nến không phải là bệnh lây.

Bạn không thể "mắc" bệnh từ một người khác và bạn không thể truyền bệnh cho ai đó từ việc chạm vào người hoặc tiếp xúc gần với họ. Trên thực tế, nói bệnh vảy nến có thể lây truyền cũng giống như nói rằng tàn nhang có thể lây truyền!

Hiểu sai: “Vảy nến chỉ là một bệnh da, một vấn đề thẩm mỹ”

Sự thật: Vảy nến là một bệnh mạn tính của hệ miễn dịch, làm cho tế bào da tăng trưởng bất thường. Tế bào da bình thường tăng trưởng và trưởng thành trong vòng 28 đến 30 ngày rồi mới tróc khỏi bề mặt da mà không làm ta nhìn thấy.

Trong bệnh vảy nến, tế bào da vảy nến chỉ mất 3 đến 4 ngày để trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, dẫn đến sự chồng chất nhiều lớp tế bào da, và tạo thành vảy trên tổn thương da. Tổn thương vảy nến có thể gây đau và ngứa, và có thể nứt nẻ và chảy máu.

Khoảng 30 - 50% số bệnh nhân vảy nến còn bị viêm khớp vảy nến. Viêm khớp vảy nến gây đau, cứng và sưng khớp và quanh các khớp.

Biểu hiện da trong vảy nến chỉ là phần nổi của tảng băng - ngày càng có nhiều bằng chứng gợi ý những mối liên kết với những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh gan, trầm cảm, béo phì và một số bệnh khác.

Hiểu sai: “Vảy nến chỉ ảnh hưởng bệnh nhân về mặt thể chất”

Sự thật: Ngoài gánh nặng bệnh về mặt thể chất, bệnh nhân vảy nến còn gặp phải những tác động đáng kể về tâm lý và cảm xúc. Người có bệnh vảy nến thường có những cảm nghĩ tiêu cực như không tự lo liệu được, tuyệt vọng, tức giận, chán nản và thậm chí trầm cảm liên quan đến làn da của họ và cách mà những người khác phản ứng với bệnh trạng của họ. Một số bệnh nhân vảy nến nặng thậm chí còn có ý nghĩ tự tử.

Nhiều bệnh nhân phản ứng bằng cách mặc quần áo che kín, hạn chế những hoạt động hàng ngày nếu các hoạt động đó thu hút những cái nhìn soi mói hoặc những nhận xét tiêu cực của người chung quanh. Bệnh nhân vảy nến thường so sánh sự rối loạn chức năng và mất năng lực trong bệnh này với những gì mà người mắc những bệnh mạn tính khác, như đái tháo đường hoặc bệnh tim, đã trải qua.

Hiểu sai: “Vảy nến là do kém vệ sinh”

Sự thật: Vảy nến là bệnh của hệ miễn dịch và không liên quan gì đến kém vệ sinh. Các yếu tố khởi động có thể châm ngòi một giai đoạn vượng bệnh như nhiễm khuẩn, stress hoặc lo lắng, những thay đổi nội tiết tố, thương tích trên da, uống rượu, béo phì, chế độ ăn không lành mạnh, và dùng một vài loại thuốc.

Hiểu sai: “Vảy nến có thể chữa khỏi”

Sự thật: Vảy nến là bệnh mạn tính cả đời. Hiện chưa có phương thuốc chữa khỏi bệnh nào được biết đến, nhưng với những lựa chọn mới và những điều trị cải tiến hiện có, người ta có nhiều cách để điều trị triệu chứng vảy nến.

Cho đến khi tìm ra cách chữa khỏi vảy nến, các nghiên cứu dược phẩm tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng về những liệu pháp hiệu quả hơn đem đến một phương thức kiểm soát bệnh tốt hơn. Những nghiên cứu về miễn dịch đã giúp phát minh, phát triển ra các thuốc sinh học mới nhắm trúng đích các nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh.

Hiểu sai: “Vảy nến dễ chẩn đoán”

Sự thật: Nhiều bệnh da trông có vẻ giống nhau, ví dụ một số triệu chứng ban đầu của vảy nến, như ngứa và đỏ, trông giống như bệnh chàm (eczema) hoặc viêm da cơ địa. Điều này đôi khi làm cho khó chẩn đoán bệnh. Điều quan trọng là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa, một cơ sở y tế uy tín mới có thể làm những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán đúng.

Hiểu sai: “Bệnh vảy nến không thể di truyền”

Sự thật: Trong khi nhiều bệnh nhân không có tiền sử gia đình bị bệnh vảy nến, thì khoảng 40–60% số bệnh nhân có một sự liên kết di truyền. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một bẩm chất di truyền, hoặc một xu hướng được di truyền, phát triển vảy nến đối với những bệnh nhân này. Tuy nhiên, có bẩm chất di truyền không nhất thiết có nghĩa là một cá nhân sẽ phát triển bệnh.

Các yếu tố góp phần khác, chẳng hạn như thương tích hoặc nhiễm khuẩn, có thể kết hợp với một số gen, hoặc các kiểu gen cụ thể, để khởi động chuỗi biến cố dẫn đến bệnh vảy nến.

Nhân Hà

Theo WHO & IFPA