Quảng Trị:

Những điều chưa biết về vụ trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem

(Dân trí) - Liên quan đến trường hợp trẻ gần 3 tháng tuổi, ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị tử vong sau vài ngày tiêm vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”, lãnh đạo các cơ quan y tế địa phương đều cho rằng đã thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.

Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 5/11, bé Hồ Văn Chinh được đưa đến Trạm Y tế xã A Dơi để tiêm vắc xin Quinvaxem “5 trong 1”. Tuy nhiên, sau tiêm chừng 2 tiếng, bé Chinh bắt đầu sốt cao, da mặt nhợt nhạt, nôn mửa, bỏ bú, quấy khóc… Đến sáng ngày 6/11, gia đình mới đưa trẻ đến Trạm Y tế khám và được chuyển lên Trung tâm Y tế vùng Lìa, rồi Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện này cũng nhanh chóng làm thủ tục chuyển bé lên tuyến trên cấp cứu và điều trị.

Trạm Y tế xã A Dơi, nơi xảy ra sự việc
Trạm Y tế xã A Dơi, nơi xảy ra sự việc

Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, đến 22h đêm 10/11, bé Hồ Văn Chinh đã tử vong. Theo kết quả khám, siêu âm, các bác sĩ nhận định bé bị suy đa phủ tạng, suy hô hấp không hồi phục do viêm phổi nặng, khả năng do vi khuẩn.

Chị Hồ Thị Ka Rai (21 tuổi, mẹ bé Chinh) cho biết: “Trước khi đưa bé Chinh đi tiêm chủng, cháu vẫn khỏe mạnh, không bị đau ốm, vẫn bú nhiều. Tuy nhiên, sau khi được tiêm được 5 phút, bé Chinh bị sốt nhẹ, ho. Một tiếng sau thì da mặt bé trở nên nhợt nhạt, người mệt mỏi, khóc nhiều”.

Theo chị Ka Rai, sau khi tiêm cho bé, cô y tá Nguyễn Thị Thi (người trực tiếp tiêm cho bé Chinh) có đưa cho chị 2 gói thuốc, chị Rai hỏi thì y tá này nói đó là thuốc giảm đau, hạ sốt và dặn khi nào cháu có biểu hiện sốt, khóc nhiều thì cho uống một nửa gói thuốc này. “Thấy cháu sốt như vậy thì tui cũng làm đúng như lời y tá dặn là pha một nửa gói thuốc vào nước để cho cháu uống. Uống xong thì bé Chinh ngủ thiếp đi chừng 2 tiếng, khi tỉnh dậy cháu vẫn khóc, tui cho bú thì cháu chỉ bú rất ít, không đi tiểu. Khoảng 7 - 8 giờ sau, bé vẫn khóc to, sốt nhẹ, người mệt, da nhợt nhạt nên tui cho cháu uống thêm lần nữa. Khoảng 2h sáng ngày 5/11 thì bé bỏ bú hoàn toàn, cháu bắt đầu có biểu hiện co giật”, chị Rai nói
 

Trạm Y tế xã A Dơi, nơi xảy ra sự việc
 
Đến 5h sáng ngày 6/11, gia đình đưa cháu Chinh lên Trạm Y tế xã khám, sau khi các bác sĩ đo nhiệt độ trên cơ thể cháu, dùng nước ấm xoa lên vết tiêm rồi chuyển lên trung tâm Y tế vùng Lìa. Sau đó tiếp tục đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa cấp cứu. Lúc này bé Chinh bị khó thở, tại vết tiêm có biểu hiện sưng lên, bầm tím, nôn ra màu vàng và thường xuyên bị co giật. Thấy vậy, các bác sĩ bệnh viện này đã gọi xe chuyển bé về tỉnh cấp cứu.

“Sau khi đưa bé Chinh đi siêu âm, các bác sĩ gọi tui vào phòng và nói cháu bị bệnh viêm phổi. Thời điểm đó, cháu Chinh vẫn được các bác sĩ theo dõi ở phòng cấp cứu. Đến khoảng 22h đêm 10/11 thì cháu tắt thở” ,chị Ka Rai đau đớn kể lại.

Từ ngày con mất, chị Rai chỉ nằm một chỗ, bỏ ăn uống
Từ ngày con mất, chị Rai chỉ nằm một chỗ, bỏ ăn uống
Chị Ka Rai đau lòng khi mất đi đứa con bé bỏng
Chị Ka Rai đau lòng khi mất đi đứa con bé bỏng

Ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình bé Chinh nghi ngờ nguyên nhân khiến bé tử vong là do tiêm vắc xin. Để làm rõ nguyên nhân, cơ quan pháp y tỉnh Quảng Trị đã tiến hành giải phẫu tử thi ngay sau đó. Kết quả giải phẫu tử thi của cơ quan pháp y tỉnh Quảng Trị ngày 11/11 cũng cho biết, chẩn đoán bé bị viêm phổi. 

Cũng trong tối 11/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã nhận định nguyên nhân dẫn đến tử vong của bé Chinh là do viêm phổi. Cơ quan này cũng khẳng định không phải do vắc xin.
 

Quy trình tiêm chủng có thực hiện đúng?

 

Ông Nguyễn Khánh Nam, Trạm trưởng Y tế xã A Dơi. Ông Nam khẳng định quá trình tiêm chủng đều tuân thủ đúng quy trình, vắc xin được bảo quản trong nhiệt độ an toàn.
 

Ông Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa cho biết,  trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế tại xã đã khám sàng lọc cho các trẻ, tư vấn cho người nhà và thực hiện theo đúng quy trình tiêm chủng. Quá trình này trải qua nhiều bước và được 4 nhân viên y tế thực hiện từ khâu tiếp đón, khám đến theo dõi quá trình tiêm chủng trước đó rồi mới tiêm cho trẻ.

 

“Sau khi khám sàng lọc, bé Chinh và nhiều trẻ khác đều không có biểu hiện gì của bệnh lý, sức khỏe ổn định nên mới thực hiện tiêm. Nếu gia đình bé Chinh nghi ngờ quá trình khám sàng lọc không kỹ càng thì trong số 41 trẻ được tiêm chủng tại đây, ắt sẽ có nhiều trẻ mắc phải triệu chứng như bé Chinh. Sau khi tiêm 30 phút, bé Chinh và nhiều bé khác không có biểu hiện gì nên nhân viên y tế mới cho người nhà đưa về”, ông Đức khẳng định.

 

Trả lời về thắc mắc của phóng viên là vì sao bé bị bệnh viêm phổi nhưng qua khám sàng lọc lại không phát hiện để chỉ định ngừng tiêm thì ông Đức cho biết: “Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của trạm y tế tuyến xã rất khó phát hiện ra bệnh và phải nhờ đến máy móc hiện đại để siêu âm. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh lại rất lâu, chừng 3-5 ngày, nếu chưa phát bệnh thì rất khó chẩn đoán trẻ có bị nhiễm vi khuẩn hay không. Trước khi tiến hành tiêm, các nhân viên y tế đã hỏi người nhà của trẻ về tiền sử bệnh trước đó và đều cho biết sức khỏe của trẻ bình thường”.

Đăng Đức