Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 của Moderna

Minh Nhật

(Dân trí) - Lô vắc xin Moderna đầu tiên đã về đến Việt Nam với hơn 2 triệu liều. Vắc xin Moderna cho thấy hiệu lực bảo vệ khoảng 94,1% đối với Covid-19, hiệu lực bảo vệ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu.

Lô vắc xin Moderna đầu tiên đã về đến Việt Nam với 2.000.040 liều. Đây là số vắc xin Covid-19 Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế Covax. Trong đó một triệu liều được chuyển khẩn cấp cho TPHCM.

Vắc xin Moderna (còn có tên khác là Skipevax hay mRNA-1273) là loại vắc xin do Công ty Moderna (Mỹ) phối hợp với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển.

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 của Moderna - 1

Lô vắc xin Moderna đầu tiên đã về đến Việt Nam với 2.000.040 liều (Ảnh: WHO).

Vắc xin được bào chế dựa trên công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền dạng ARN. Cụ thể, vắc xin chứa đoạn mã di truyền ARN thông tin (mARN) của SARS-CoV-2 được tiêm vào cơ thể người, có thể làm cho các tế bào trong cơ thể tạo ra protein bề mặt của virus SARS-CoV-2, đánh lừa hệ thống miễn dịch rằng đã bị nhiễm virus và "huấn luyện" tạo kháng thể phù hợp chống lại mầm bệnh.

Độ an toàn của vắc xin Moderna

Ngày 30 tháng 4, WHO phê duyệt vắc xin Moderna vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO (EUL) đánh giá chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của vắc xin Covid-19, và là điều kiện tiên quyết để cung ứng vắc xin theo cơ chế Covax Facility.

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 của Moderna - 2

Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng của WHO (SAGE) khuyến cáo tất cả những người được tiêm vắc xin cần được theo dõi ít nhất 15 phút sau tiêm. Những người gặp phản ứng dị ứng nặng ngay trong liều đầu thì không nên tiêm liều tiếp theo.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đánh giá kĩ lưỡng số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu lực của vắc xin Covid-19 Moderna và cho phép lưu hành sử dụng ở tất cả các nước thuộc Liên minh Châu Âu.

Theo CDC Hoa Kỳ, trong các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin Moderna, các triệu chứng phản ứng bất lợi (tác dụng phụ xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi chủng ngừa) là điều bình thường nhưng phần lớn là từ nhẹ tới trung bình. Ít người có phản ứng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày.

Tác dụng phụ trên toàn bộ cơ thể (như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu) phổ biến hơn sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc xin.

Cụ thể, các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:

Trên cánh tay nơi được tiêm:

- Đau

- Mẩn đỏ

- Sưng tấy

Trên các phần còn lại của cơ thể:

- Mệt mỏi

- Đau đầu

- Đau cơ

- Ớn lạnh

- Sốt

- Buồn nôn

Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng một hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vắc xin. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Vắc xin Moderna đạt hiệu quả lên đến 94,1%

Theo CDC Hoa Kỳ, dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, ở những người từ 18 tuổi trở lên, vắc xin Moderna đạt hiệu quả 94,1% trong việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 đã được phòng thí nghiệm xác nhận ở những người đã tiêm hai liều và không có bằng chứng bị nhiễm bệnh trước đó.

Vắc xin cũng có hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng giúp ngăn ngừa Covid-19 ở những người trong nhiều độ tuổi, giới tính, chủng tộc và dân tộc cũng như những người có sẵn bệnh nền.

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 của Moderna - 3

SAGE khuyến cáo sử dụng vắc xin Moderna theo lịch tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Nếu cần, khoảng cách giữa các liều có thể kéo dài tới 42 ngày.

Các nghiên cứu cho thấy tác động y tế công cộng cao khi khoảng cách giữa các mũi tiêm dài hơn khoảng cách do EUL khuyến cáo. Theo đó, các nước có tỷ lệ mắc Covid-19 cao và thiếu hụt trầm trọng cung ứng vắc xin có thể cân nhắc trì hoãn liều 2 tới 12 tuần để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm mũi đầu cao hơn ở các nhóm ưu tiên cao. 

Theo WHO, dựa trên các bằng chứng ở thời điểm hiện tại, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bao gồm: Alpha (biến thể ghi nhận ở Anh) và Beta (biến thể ghi nhận ở Nam Phi), không làm thay đổi hiệu quả của vắc xin Moderna. 

Những ai có thể tiêm vắc xin Covid-19 của Moderna?

Theo WHO, cũng như mọi vắc xin phòng Covid-19, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm chủng. Khi có thêm vắc xin, cần bổ sung các nhóm ưu tiên tiêm chủng.

Các bệnh đi kèm (bệnh nền) được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 bao gồm: bệnh phổi mạn tính, bệnh lý về tim, béo phì nặng, đái tháo đường, bệnh gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Khuyến cáo tiêm chủng cho nhóm những người mắc các bệnh nền này bởi các bệnh nền này được xác định làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nặng.

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 của Moderna - 4

Hiệu quả vắc xin được đánh giá là tương tự trên phụ nữ trong thời kì nuôi con bằng sữa mẹ và những người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo sử dụng vắc xin ở phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ tương tự như ở người trưởng thành khác. Tổ chức này cũng không khuyến cáo dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm phòng Covid-19.

Ai không nên tiêm vắc xin Covid-19 của Moderna?

Theo WHO, Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin không nên dùng loại vắc xin này hay vắc xin mARN khác.

Mặc dù khuyến cáo tiêm chủng cho người cao tuổi do nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng và tử vong, nhưng những người cao tuổi rất yếu, với tiên lượng còn sống thêm dưới 3 tháng nữa, cần được đánh giá cụ thể theo từng trường hợp.

Không dùng vắc xin này ở những người dưới 18 tuổi do chưa có kết quả từ các nghiên cứu thêm.